Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Không để thiếu thực phẩm dịp cuối năm
Phóng viên Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường xung quanh giải pháp để tránh "cơn sốt" thực phẩm vào dịp cuối năm.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.
Với tình hình dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn chưa có dấu hiệu được khống chế, nhiều người lo ngại khả năng cuối năm nay sẽ thiếu hụt thực phẩm. Bộ trưởng đánh giá về vấn đề này như thế nào?
- Hiện, thịt lợn vẫn là thực phẩm chính trong cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam. Phải khẳng định, trước tình trạng dịch tả lợn chưa được khống chế, nếu không có biện pháp tổ chức sản xuất tốt, thì cuối năm nay sẽ xảy ra tình trạng thiếu thịt lợn.
Bộ NN&PTNT đã có giải pháp ứng phó với tình hình này như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Ngay từ đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã xây dựng những nhóm giải pháp, phối hợp triển khai đồng bộ cùng các địa phương.
Trong đó, trọng tâm là tập trung phát triển các nhóm thực phẩm khác để bù đắp lại sản lượng thịt lợn, gồm gia cầm; nhóm đại gia súc (trâu, bò) và thủy sản.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển 3 nhóm thực phẩm này, Bộ cũng khuyến cáo cần hết sức chú ý 3 nguyên tắc.
Thứ nhất, phải xây dựng được chuỗi an toàn, bởi nếu phát triển thiếu kiểm soát, cuối năm lại bị dịch bệnh thì rất nguy hiểm.
Thứ hai là bảo đảm cân đối cung cầu, tránh tình trạng phát triển vô tổ chức dẫn tới khủng hoảng thừa.
Thứ ba là tạo sinh kế mới cho người chăn nuôi lợn bị thiệt hại.
Trước nguy cơ thiếu hụt thịt lợn thời gian tới, Việt Nam có tính đến việc nhập khẩu thịt lợn để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong nước không, thưa Bộ trưởng?
- Nếu nhu cầu thị trường có và khả năng sản xuất trong nước không đáp ứng được thì chúng ta vẫn phải nhập khẩu thịt lợn.
Song, giải pháp tốt nhất là cố gắng điều hòa, khắc phục sự thiếu hụt đó bằng các loại thực phẩm thay thế có thể chủ động được. Điều này sẽ giúp nước ta tránh bị phụ thuộc vào nguồn cung thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng từ bên ngoài về lâu dài.
Trong bối cảnh chưa có vaccine phòng chống và thuốc điều trị, giải pháp tổng thể hiện nay nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi lợn là gì, thưa Bộ trưởng?
- Để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt các giải pháp an toàn sinh học.
Bên cạnh đó, Bộ đang tích cực triển khai các nhóm giải pháp căn cơ khác. Cụ thể, đối với công tác nghiên cứu vaccine, hiện đã có kết quả bước đầu, đang tiếp tục làm thực nghiệm.
Bộ cũng đang giao Cục Thú y tổng kết, đánh giá hiệu quả các mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, tiến tới ban hành hướng dẫn cụ thể để các địa phương nhân rộng.
Thưa Bộ trưởng, về lâu dài, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng, nên chăng cần bắt đầu tính tới giải pháp tái đàn?
- Bộ NN&PTNT cũng đã tính tới phương án tái đàn. Theo đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa ra những khuyến nghị, định hướng rõ ràng rằng: Những nơi nào bảo đảm an toàn sinh học cao, đặc biệt là những hộ trang trại chăn nuôi lớn, làm chủ được quy trình sản xuất an toàn dịch bệnh thì có thể tái đàn và tiếp tục gia tăng đàn lợn.
Những ổ dịch đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh, quá trình kiểm tra, đánh giá bảo đảm được các điều kiện sản xuất an toàn cũng có thể tái đàn.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!