Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ ra cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư phân bón hữu cơ
Tỉ trọng sản phẩm phân hữu cơ bắt đầu tăng
Tại Hội nghị Thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ diễn ra sáng ngày 28/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết sau 2 năm thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân hữu cơ chúng ta đã có trên 2.000 sản phẩm phân bón hữu cơ chiếm tỉ lệ 11,6%.
Hội nghị Thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ. Ảnh: Đức Quỳnh
Cách đây hai năm con số này chỉ dừng lại ở mức dưới 5%. Hiện nay có khoảng 268 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm hơn 30% trong tổng số nhà máy trong ngành phân bón với công suất 3,5 triệu tấn/năm. Về tiêu thụ, cả nước 53.000 ha đã đưa phân hữu cơ vào sản xuất.
Tuy đạt được kết quả ban đầu nhưng vẫn còn bất cập. So với nhu cầu 15 triệu ha cây trồng, tổng công suất 3,5 triệu tấn/năm vẫn chưa đáp ứng được. Chưa kể trên thực tế, sản lượng mới dừng lại ở mức 2,5 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, công tác quản lí của nhà nước vẫn còn nhiều bất cập. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn còn thiếu. Việc xây dựng mô hình khuyến nghị nông dân chưa đại trà.
Cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư phân hữu cơ
Mặc dù còn một số khóa khăn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhìn nhận ngành này có nhiều cơ hội đối với các doanh nghiệp.
Theo đó, cả nước có 15 triệu ha cây trồng canh tác, nhu cầu phân hữu cơ cho số diện tích này khoảng trên 80 triệu tấn phân hữu cơ. Trong khi thực tế, sản lượng mới dừng lại 2,5 triệu tấn.
"Như vậy dư địa cho phát triển phân hữu cơ còn rất lớn. Trong khi đó, nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân hữu cơ rất dồi dào. Trung bình mỗi năm có khoảng 100 triệu tấn phế thải, 50 triệu tấn rơm, xác thực vật sau khi thu hoạch, 100 triệu tấn phế phụ phẩm chăn nuôi…", bộ trường Nguyễn Xuân Cường nhận định.
Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết thêm năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu 100.000 tấn phân, trong đó, phân hữu cơ đang được tập trung.
Khó khăn khi chuyển đổi sang dùng phân hữu cơ
Tuy nhiên, việc nông dân chuyển đổi sang sử dụng phân hữu cơ đặt ra nhiều khó khăn như chi phí cao và mất thời gian.
Trước vấn đề này Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định bất kì một thói quen nào khi thay đổi là cần sự đấu tranh, thời gian và "hà hơi tiếp sức" bằng các chính sách.
Trước hết có chính sách khuyến khích không chỉ cho doanh nghiệp sản xuất mà còn thúc đẩy nông dân sử dụng và thậm chí sản xuất phân hữu cơ tại gia bằng cách sản phẩm enzym, xử lí phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sản xuất được 3 triệu tấn phân bón hữu cơ và xuất khẩu được 0,5 triệu tấn.
Tại Hội nghị, đại diện Cục Bảo vệ Thực vật cho biết ngày 20/9/2017, lần đầu tiên các quy định về khuyến khích sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ đã được đưa vào một văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, Nhà nước có chính sách về tín dụng, thuế, quỹ đất cho việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật, sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ.
Khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến cho việc sản xuất các loại phân bón thế hệ mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng.
Cục Bảo vệ Thực vật đã kí thỏa thuận hợp tác, cam kết thực hiện chương trình phát triển phân bón hữu cơ với 13 doanh nghiệp, ưu tiên đầu tư nguồn kinh phí cho chương trình này lên đến gần 300 tỉ đồng.
Trong đó trên 50% nguồn vốn của doanh nghiệp (166 tỉ đồng), còn lại là nguồn ngân sách địa phương (69 tỉ đồng), ngân sách trung ương (18 tỉ đồng) và vốn đối ứng của dân.