|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: An toàn sinh học là 'vũ khí' duy nhất chống lại dịch tả heo châu Phi

13:51 | 31/05/2019
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định nếu không làm tốt khâu phòng bệnh, dịch tả heo châu phi thậm chí sẽ lan vào các hộ chăn nuôi lớn, tình hình sẽ rất nguy hiểm.

Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội trong ngày 31/5, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã tập trung nói về dịch tả heo châu Phi, theo VnExpress.

Theo ông, đây là vấn đề rất lớn, trong lịch sử chưa bao giờ xảy ra với ngành chăn nuôi trên thế giới. 

Dịch đã lan đến Việt Nam, trong khi đó ngành chăn nuôi heo nước ta chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu nông nghiệp; giá trị ngành nông nghiệp hiện khoảng một triệu tỉ đồng thì chăn nuôi heo chiếm khoảng 90.000 tỉ, gần bằng 10%. Khu vực này giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ, 10.000 hộ trang trại quy mô lớn và vừa.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: An toàn sinh học là vũ khí duy nhất chống lại dịch tả heo châu Phi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong cơ cấu thực phẩm, thịt heo chiếm 70% về thịt trong bữa cơm hàng ngày của người dân.

Bộ trưởng Cường thông tin đến ngày 31/5, dịch đã lan tới 48 tỉnh, thành, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã với 117.000 tấn heo (tương đương 2 triệu con) bằng 6,5% tổng đàn heo toàn quốc. "Đây là thiệt hại vô vùng lớn", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, dự báo thời gian tới, với tình hình thời tiết phức tạp, điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc thù của bệnh, thì nếu không có biện pháp tích cực, dịch sẽ tiếp tục lan rộng đến những nơi chưa có; quay lại nơi ổ dịch đã qua 30 ngày; lan vào những hộ chăn nuôi lớn.

"Chúng ta còn 94% đàn heo sạch, chưa có bệnh nên cần tuyên truyền các biện pháp phòng dịch", ông Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, "vũ khí" duy nhất là để chiến đấu dịch bệnh là an toàn sinh học. 

Nếu không làm tốt khâu này thì bệnh thậm chí sẽ vào các hộ lớn, tình hình sẽ trở nên nguy hiểm. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cần gia cố thêm các biện pháp phòng dịch nhất là đối với heo giống để khi dịch bệnh được dập, các hộ sẽ có điều kiện tái đàn

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Bộ trưởng cũng cho biết Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo không tăng đàn vào thời điểm này để tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan. Thủ tướng cũng xác định sống chung lâu dài với dịch tả heo châu Phi từ đó có các giải pháp tổng thể, trung hạn và dài hạn.

Đề phòng khủng hoảng thiếu thịt heo, Bộ Công Thương đã cùng các đơn vị liên quan bàn giải pháp dự trữ thịt heo đông lạnh, Chính phủ sẽ có biện pháp khuyến khích hỗ trợ. Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn khuyến cáo người dân không tăng đàn heo lúc này, vì nguy cơ rủi ro cao; thúc đẩy các nhóm chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò); gia cầm; thuỷ sản.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng đang tập trung nghiên cứu vacxin; thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân và các thành phần kinh tế.

"Thủ tướng đã giao ngành nông nghiệp tổng kết 10 năm ngành chăn nuôi để xây dựng kịch bản, chiến lược chăn nuôi mới; chúng tôi sẽ trình vào tháng 10 tới", Bộ trưởng cho hay.

Bộ Công Thương cho biết theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số heo của cả nước tháng 5/2019 giảm 5,5% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thay thế thịt heo (thịt bò, gia cầm) tương đối dồi dào, cụ thể, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động chăn nuôi các mặt hàng trên vẫn đang tăng trưởng tốt.

Tính đến ngày 24/5, tổng số lượng heo bị bệnh và tiêu hủy là trên 1,7 triệu con, chiếm khoảng 5% tổng đàn heo cả nước.

Tại một số địa phương, số heo bị bệnh và tiêu hủy có tỉ lệ cao hơn như Hà Nội (có trên 147.000 con, chiếm 7,7% tổng đàn của thành phố), Thái Bình (trên 300.000 con, chiếm hơn 30% tổng đàn của tỉnh), Hưng Yên (trên 110.000 con, chiếm hơn 20% tổng đàn của tỉnh)...

Trong chiều ngày 30/5, Bộ NN&PTNT đã họp với Bộ Công Thương để bàn về giải pháp thu mua, cấp đông thịt heo sạch nhằm để bình ổn thị trường, tránh tình trạng khan hiếm thịt heo.

H.Mĩ