|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Năm 2023, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng tốt nhất ASEAN

10:15 | 31/03/2023
Chia sẻ
Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) dự báo năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt nhất ASEAN, đạt mức 6,2%.

ASEAN +3 gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Từ ngày 29-30/3, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 (AFCDM+3) được tổ chức tại Bali, Indonesia trong khuôn khổ hợp tác tài chính ASEAN+3 (gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). 

Đại diện Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham dự.

Theo TTXVN, tại Hội nghị, các quan chức Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 đã thảo luận tình hình kinh tế vĩ mô khu vực và tiến độ triển khai các sáng kiến hợp tác tài chính.

Về kinh tế vĩ mô khu vực, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đánh giá tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN+3 trong năm 2022 ghi nhận sự phục hồi sau giai đoạn COVID-19, chủ yếu đến từ tăng nhu cầu nội địa.

Tăng trưởng toàn khu vực ước đạt 3,2%, trong đó các nước ASEAN đạt tốc độ tăng trưởng 5,6% và các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (các nước +3)  ở mức 2,6%. Malaysia là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ASEAN (8,7%), còn Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các nước +3 (3 %).

Trong năm 2023, ASEAN +3 tiếp tục phải đối mặt với các rủi ro địa chính trị và áp lực lạm phát gây đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặc dù vậy, sự phục hồi của Trung Quốc có thể tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung trong toàn khu vực.

AMRO dự báo tăng trưởng khu vực ASEAN +3 trong năm 2023 đạt 4,4%,  trong đó các nước ASEAN dự báo đạt tăng trưởng 4,6%, các nước +3 tăng trưởng 4,4%.

Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo đạt mức 5,3%, cao nhất trong các nước +3, trong khi Việt Nam được dự báo có tăng trưởng tốt nhất khu vực ASEAN với mức tăng trưởng 6,2%.

AMRO khuyến nghị các nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô...

Để tăng cường khả năng hỗ trợ của Cơ chế đa phương hoá Sáng kiến Chiang Mai (CMIM) cho các nước thành viên khi gặp khó khăn thanh khoản, Hội nghị đã thảo luận về các lựa chọn cho vay hỗ trợ bằng đồng nội tệ bên cạnh việc sử dụng USD; nguyên tắc xác định lãi suất khoản vay hỗ trợ của CMIM và những định hướng tiếp tục cải thiện CMIM trong tương lai...

Cập nhật tình hình hoạt động của Sáng kiến thị trường phát triển trái phiếu châu Á (ABMI), một trong 2 sáng kiến trụ cột của ASEAN+3, Hội nghị ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các nhóm công tác ABMI trong việc khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ thông qua các biện pháp thúc đẩy cung cầu trái phiếu bằng đồng nội tệ; tăng cường khung pháp lý, cải thiện cơ sở hạ tầng và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nước nhằm phát triển thị trường trái phiếu trong nước.