|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bộ Tài chính yêu cầu chú trọng kiểm soát các doanh nghiệp có hiện tượng tăng vốn nhanh, giao dịch chứng khoán đột biến

16:35 | 06/09/2022
Chia sẻ
Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị chuyên môn có liên quan tập trung tối đa nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp tại tất cả các khâu quản lý, giám sát nhằm đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch, hiệu quả.

Ngày 5/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký ban hành Chỉ thị số về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán.

Chú trọng kiểm soát các doanh nghiệp có hiện tượng tăng vốn nhanh, doanh thu chưa tương xứng với quy mô vốn 

Theo Chỉ thị này, Bộ trưởng giao các đơn vị liên quan thuộc Bộ khẩn trương rà soát tổng thể Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với sự phát triển của thị trường, hạn chế nguy cơ gây mất an ninh, an toàn thị trường, bảo vệ doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đồng thời là yêu cầu rà soát các quy định về phát hành chứng khoán riêng lẻ tại Luật Doanh nghiệp để kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; rà soát, tham mưu nâng cao điều kiện thành lập quỹ tài chính.

Về giám sát, Bộ yêu cầu các cơ quan có liên quan kiểm tra hoạt động đăng ký niêm yết, thay đổi cơ cấu vốn của doanh nghiệp, và giao Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các Sở giao dịch chứng khoán tăng cường giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, thành viên giao dịch.

Song song đó là thẩm định chặt chẽ các hồ sơ đăng ký niêm yết/đăng ký giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp, chú trọng kiểm soát chất lượng, đảm bảo tính chính xác của hồ sơ, đặc biệt lưu ý các công ty có hiện tượng tăng vốn nhanh, các công ty mới thành lập, doanh thu chưa tương xứng với quy mô vốn, chưa có sản phẩm định hướng kinh doanh rõ ràng…

Bộ trưởng cũng giao Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán, của các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ niêm yết.

“Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm đạo đức nghề nghiệp tuỳ theo mức độ vi phạm, đồng thời, chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra với các hành vi cố tình vi phạm, góp phần tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp lợi dụng để qua mắt cơ quan quản lý, lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư", Chỉ thị nêu rõ.

Xây dựng bộ tiêu chí cảnh báo nếu doanh nghiệp có mã chứng khoán đang được giao dịch đột biến 

Về giám sát giao dịch chứng khoán, Bộ trưởng giao Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, và các Sở giao dịch chứng khoán tăng cường công tác giám sát thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh.

Trong đó, đặc biệt giám sát chặt chẽ các mã chứng khoán có thanh khoản lớn, diễn biến bất thường, tăng giảm liên tiếp, đột biến, giá trị cổ phiếu không phù hợp với hình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chỉ thị yêu cầu các cơ quan cần thanh tra, kiểm tra xử lý quỹ đầu tư trái phép, quỹ không hoạt động để rút giấy phép và xử lý theo quy định của pháp luật.

“Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ động thanh tra, kiểm tra giám sát việc phát hành tăng vốn của các công ty đại chúng, niêm yết trên sàn chứng khoán, phối hợp với các Sở giao dịch chứng khoán tăng cường hơn nữa việc công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời cảnh báo nhà đầu tư về các hiện tượng bất thường trên thị trường; có cơ chế công bố thông tin, phân tích về hoạt động, tình hình tài chính của doanh nghiệp có mã chứng khoán đang được giao dịch bất thường, đột biến", Bộ trưởng yêu cầu.

Từ đó, Bộ Tài chính yêu cầu xây dựng bộ tiêu chí cảnh báo hoạt động bất thường. Bộ trưởng cũng giao Trung tâm lưu ký chứng khoán nghiên cứu, đề xuất xây dựng bộ tiêu chí cảnh báo cũng như tăng cường hệ thống công nghệ thông tin, áp dụng trí tuệ nhân tạo chủ động phân tích, cảnh báo sớm hoạt động bất thường của các tài khoản giao dịch, các nhóm tài khoản có dấu hiệu liên kết, cùng thời điểm liên tục mua vào bán ra tạo thanh khoản ảo, đẩy giá trục lợi.

Bộ cũng yêu cầu các cơ quan liên quan chủ động theo dõi chặt chẽ các tài khoản này và khẩn trương báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính để phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an để xử lý, trường hợp cần thiết đề nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giám sát dòng tiền, đặc biệt là việc rút tiền, chuyển tiền số lượng lớn.

Về giám sát hoạt động của các công ty thành viên thị trường, Bộ trưởng giao Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì xây dựng khung báo cáo và các tiêu chí liên quan, trên cơ sở đó yêu cầu các công ty chứng khoán cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động trong thời gian qua, đặc biệt tập trung vào các nghiệp vụ tự doanh, cấp margin, tư vấn môi giới đầu tư, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như tình hình tăng vốn rất mạnh trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022,…

Trên cơ sở báo cáo này, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh tính chính xác của báo cáo, phân tích số liệu để chỉ ra những dấu hiệu bất thường (nếu có) trong hoạt động của các công ty chứng khoán. Xem xét có hay không việc một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng, cấu kết với công ty chứng khoán để thao túng, làm giá cổ phiếu, tư vấn, lách luật phân phối trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp….

Mỹ Linh

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...