|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Tài chính: Sẽ sớm nâng mức giảm trừ gia cảnh

15:33 | 13/05/2020
Chia sẻ
Bộ Tài chính mô tả đây là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Bộ Tài chính cho biết để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch Covid-19, đồng thời thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020, cơ quan này sẽ tiếp tục xây dựng và thực hiện các giải pháp, đề xuất về chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp mới đây, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói cơ quan quản lý sẽ sớm ban hành và tổ chức triển khai các giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng.

Một trong 3 giải pháp quan trọng được Bộ Tài chính hướng tới chính là sớm điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc.

Theo dự thảo nghị quyết đang được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Tài chính dự kiến nâng mức giảm trừ gia cảnh với đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu/năm); giảm trừ với mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu/tháng (tương đương 52,8 triệu/năm).

Theo cơ quan quản lý, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó mức độ giảm của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn. Dự kiến ngân sách Nhà nước sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng theo đề xuất này.

Bộ Tài chính: Sẽ sớm nâng mức giảm trừ gia cảnh - Ảnh 1.

Bộ Tài chính khẳng định sớm nâng mức giảm trừ gia cảnh là một trong 3 giải pháp quan trọng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngoài việc sớm nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, hai giải pháp lớn khác được Bộ Tài chính dự kiến triển khai là miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; và tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025.

Cơ quan quản lý tài khóa cho biết đã nhận được văn bản của 18 Bộ, trong đó có 15 Bộ đề xuất giảm các khoản phí, lệ phí đến hết năm 2020.

Bộ Tài chính sau đó đã xây dựng 19 dự thảo thông tư quy định miễn, giảm phí, lệ phí với các ngành chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Hiện tại, cơ quan này đã ban hành 8 thông tư giảm phí, lệ phí các lĩnh vực du lịch, xây dựng, đăng ký thành lập doanh nghiệp, tài nguyên nước...

Dự kiến trong tuần tới, Bộ sẽ ban hành các thông tư quy định giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, y tế, hàng không, nông nghiệp…

Cũng theo thống kê của Bộ Tài chính, trong hơn 2 tháng qua, cơ quan này đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí cho doanh nghiệp và người dân.

Trong đó có gói gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất giá trị 180.000 tỷ đồng; và các giải pháp, đề xuất về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí giá trị 40.000 tỷ; miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng khẩu trang y tế, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước rửa tay sát trùng để phục vụ việc phòng chống dịch bệnh; đề xuất điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp...

Hiện tại, nhiều khoản phí, lệ phí trong các lĩnh vực đã được điều chỉnh giảm, như giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50% mức phí thẩm định cấp lại giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính...

Bộ cũng cho biết đã giảm và miễn hoàn toàn không thu phí đối với một số dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán.

Quang Thắng

Giảm VAT 2% lần thứ 5: Nên giảm cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ để mang lại hiệu quả cao nhất
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được thực hiện trong thời gian qua mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, để đạt hiểu quả cao nhất, các chuyên gia đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ.