Bộ Tài chính Mỹ có gần chục hoá đơn cần thanh toán ngay đầu tháng 6 nhưng tiền mặt đang cạn dần
Chính phủ Mỹ có thể chậm thanh toán các hoá đơn vào tháng tới và thậm chí có nguy cơ vỡ nợ nếu Quốc hội không nâng giới hạn đi vay 31.400 tỷ USD.
Nếu chính quyền Tổng thống Joe Biden và Đảng Cộng hoà không đàm phán được một thoả thuận, việc Mỹ vỡ nợ có thể gây ra thảm hoạ kinh tế và hoảng loạn trên thị trường tài chính toàn cầu.
Bên dưới là một dòng thời gian (timeline) cho thấy Mỹ có thể bỏ lỡ một loạt các khoản thanh toán như thế nào, dựa trên cảnh báo của Bộ Tài chính rằng chính phủ có thể cạn tiền sớm nhất vào ngày 1/6.
Dự đoán mà Reuters vạch ra còn dựa trên các ước tính doanh thu thuế và nghĩa vụ chi tiêu do Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, một viện chính sách có trụ sở tại thủ đô Washington, cung cấp.
Ngày 1/6
Bộ Tài chính sẽ cạn sạch tiền mặt, khiến Mỹ chạm trần nợ. Cùng ngày, cơ quan này sẽ nhận được 26 tỷ USD doanh thu thuế, nhưng không đủ để trang trải khoảng 101 tỷ USD nghĩa vụ chi tiêu mà Quốc hội đã phê chuẩn.
Ai sẽ được Bộ Tài chính thanh toán cho và ai không? Reuters cho rằng có thể tất cả các cá nhân/tổ chức đang hy vọng sẽ nhận được tiền từ chính phủ đều sẽ “xôi hỏng bỏng không”.
Nếu Bộ Tài chính triển khai kế hoạch từng được vạch ra vào năm 2011, cơ quan này sẽ không thanh toán cho bất kỳ ai, mà thay vào đó sẽ đợi cho đến khi có đủ tiền để chi trả toàn bộ các hoá đơn trong một ngày.
Các nhà cung cấp dịch vụ y tế sẽ chật vật chờ khoản thanh toán 47 tỷ USD cho chương trình bảo hiểm y tế Medicare dành cho người lớn tuổi. Binh lính cũng sẽ không được trả lương.
Các nhà đầu tư ở Phố Wall có thể bình an vô sự ở thời điểm hiện tại, nhưng vẫn có rủi ro đính kèm, Reuters cảnh báo.
Trong bối cảnh một số khoản thanh toán nợ gốc sắp đến hạn, bao gồm hơn 100 tỷ USD vào ngày 1/6, Bộ Tài chính sẽ đi vay vừa đủ để chi trả các khoản mục đến hạn và cố gắng duy trì để chính phủ không vượt trần nợ.
Nếu nhà đầu tư từ chối cho mượn tiền vì sợ không được trả lại, nước Mỹ có thể bắt đầu chậm thanh toán nợ nần và vỡ nợ, từ đó làm rung chuyển hệ thống tài chính toàn cầu.
Ngày 2/6
Ngay cả khi Washington trả nợ đúng hạn vào ngày 1/6, thị trường chứng khoán có thể vẫn sẽ chao đảo. Điều đó có thể gây áp lực buộc Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và ông Biden phải hành động nhanh chóng.
Đảng Cộng hoà, phe kiểm soát Hạ viện, đang yêu cầu chính phủ phải giảm mạnh chi tiêu liên bang để đổi lấy sự ủng hộ của họ trong việc nâng trần nợ công.
Nếu hai bên không đạt được thoả thuận, Bộ Tài chính có thể sẽ chậm thanh toán hoá đơn thêm một ngày nữa. Các cá nhân đang hưởng lương hưu và người thụ hưởng An sinh Xã hội sẽ không nhận được 25 tỷ USD mà chính phủ đang nợ họ.
Các bang sẽ không nhận được 2 tỷ USD mà Washington cần chi để trợ cấp bảo hiểm y tế Mediaid cho người nghèo. Tại thời điểm này, nhiều khu vực tại Mỹ sẽ không nhận được ngân sách mà chính phủ đáng lẽ đã phải chuyển đi.
Ngày 6/6
Các nhà sản xuất vũ khí và doanh nghiệp cung ứng khác cho quân đội Mỹ sẽ không nhận được 2 tỷ USD mà chính phủ cần phải trả cho họ.
Ngày 7/6
Khoảng một tuần kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, Bộ Tài chính cuối cùng cũng có thể thanh toán một vài hoá đơn.
Khối nợ của chính phủ vẫn đứng im, trong khi Bộ Tài chính sẽ nhận được khoảng 110 tỷ USD doanh thu thuế, đủ tiền để trang trải các hoá đơn từ ngày 1/6.
Tuy nhiên, nhiều hoá đơn khác sắp đến hạn thanh toán và những người đang kỳ vọng sẽ được hoàn thuế vào ngày 7/6 sẽ không nhận được 1 tỷ USD mà chính phủ cần trả cho họ.
Ngày 8/6
Các chương trình giáo dục do chính quyền bang và địa phương điều hành sẽ không nhận được 1 tỷ USD ngân sách theo kế hoạch đã đề ra.
Cuộc khủng hoảng sẽ đẩy hệ thống bệnh viện vào tình cảnh bấp bênh hơn, khi chính phủ chậm cấp tiền cho các chương trình bảo hiểm liên bang.
Ngày 15/6
Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn vào ngày 15/6, khi Bộ Tài chính phải thanh toán khoảng 2 tỷ USD tiền lãi trái phiếu chính phủ cho các nhà đầu tư.
Bộ này từng cho biết vào năm 2014, sau một cuộc chiến trần nợ khác, rằng về mặt kỹ thuật, họ có thể ưu tiên thanh toán tiền lãi trái phiếu thay vì các nghĩa vụ nợ khác.
Cũng vào ngày 15/6, một khoản thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ chảy vào Bộ Tài chính, giúp cơ quan này có đủ tiền mặt để thanh toán lãi trái phiếu.
Song, khoản tiền đó sẽ không thể giúp chính phủ chi trả các hoá đơn khác cũng đến hạn vào ngày 15/6, chẳng hạn như tiền lương cho quân nhân.