Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công An điều tra sai phạm trong xuất khẩu gạo
Theo đó, trong văn bản số 4763/BTC-VP, Bộ Tài Chính nêu rõ hiện nay trên một số phương tiện báo chí và mạng xã hội cũng như doanh nghiệp xuất khẩu đặt nhiều nghi vấn tiêu cực trong tổ chức triển khai hoạt động xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Chính phủ; có hay không việc trục lợi từ chính sách quản lí hạn ngạch xuất khẩu gạo? tính minh bạch trong việc chấp hành pháp luật về hải quan của cơ quan quản lí nhà nước và của các tổ chức, cá nhân liên quan.
"Bộ Tài chính kính đề nghị Đồng chí Bộ trưởng Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét điều tra, xác minh làm rõ các nội dung nêu trên nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức cá nhân trong hoạt động xuất khẩu gạo; cũng như xử lý trách nhiệm các tổ chức cá nhân, trong trường hợp đưa thông tin xuyên tác và sai sự thật”, văn bản nêu rõ.
Trong ngày 20/4, Bộ Tài Chính cũng đã có văn bản đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan khẩn trương thanh tra, kiểm tra, lãm rõ để phát hiện, xử lí nghiêm minh và kịp thời các hành vi vi phạm của công chức hải quan theo qui định pháp luật.
Trước đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có báo cáo nhanh về những bất cập, khó khăn gặp phải của các thương nhân khi mở tờ khai hải quan để xuất khẩu gạo.
Theo VFA, một số thương nhân lo sợ sự kiện “0 giờ” tái diễn nên đã đã bố trí nhân sự trực canh khai tờ khai hải quan xuyên đêm, nhất là mốc 0 giờ ngày 11/4.
Các thương nhân đã truyền đủ dữ liệu cần thiết theo qui định cho các lô hàng xuất khẩu và theo dõi thường xuyên hệ thống khai báo hải quan đến 23 giờ ngày 14/4 nhưng không nhận được phản hồi từ hệ thống của hải quan do vẫn bị kháo.
Sau 23h ngày 11/4, một số thương nhân tạm ngừng theo dõi hệ thống khai hải quan vì không nghĩ rằng hệ thống sẽ mở 0h ngày Chủ Nhật (12/4).
Trong khi đó, từ ngày 24/3 đến ngày 10/4, phía Hải quan đã nắm rõ về việc có hàng trăm nghìn tấn gạo của nhiều thương nhân đã lên đến các cảng, sẵn sàng cho xuất khẩu và chưa thể đăng kí tờ khai hải quan cũng như thông quan được do lệnh tạm dừng việc đăng kí, tiếp nhận và thông quan đối với lô hàng gạo dưới mọi hình thức kể từ ngày 24/3.
Tuy nhiên, việc đăng kí tờ khai đã bất ngờ triển khai lúc 0 giờ ngày ngày Chủ Nhật 12/4 mà không có một thông tin chính thức nào trước đó từ các bên có trách nhiệm liên quan về thời gian mở hệ thống cũng như không có một nhân sự nào của cơ quan hải quan tiếp nhận hay trực hệ thống và các thương nhân hoàn toàn bị động.
Khoảng 3 tiếng sau đóm một só thương nhân tiếp tục thao tác truyền dữ liệu để khai hải quan thì hệ thống thông báo đã bị chặn hoặc chỉ nhận được phản hồi từ hệ thống của hải quan số tờ khai được tiếp nhận nhưng không được phân luồng.
Do đó, việc khai hải quan xem như chưa thành công dù đã có số tiếp nhận.
Đến sáng sớm cùng ngày, thông tin từ các doanh nghiệp rằng hệ thống đóng cửa từ lúc 2h30 sáng và số lượng đã khai báo thành công là 399.989 tấn trong vòng 2 tiếng 30 phút.
“Điều đó có nghĩa rất nhiều thương nhân đang có hàng sẵn sàng trên cảng không được phép xuất khẩu và phải đối diện với tất cả các chi phí phát sinh từ các container hàng trên cảng.
Các thương nhân thậm chí có khả năng phá sản do chi phí phát sinh mỗi ngày lên đến hàng trăm triệu đồng và nghĩa vụ bồi thường hợp đồng cho khách hàng theo qui tắc ngoại thương cùng hàng loạt rủi ro nặng nề khác kéo theo”, VFA nhận định.
Cuối ngày 17/4, Bộ Công Thương cho biết nhằm thực hiện chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5/2020, đồng thời triển khai công tác phối hợp với Bộ Tài chính về vấn đề này, Bộ đã quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành.
Đoàn kiểm tra liên ngành có nhiệm vụ làm việc với một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.