|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bản tin thị trường gạo tuần 16/2020: 'Nóng' chuyện xuất khẩu gạo

21:26 | 19/04/2020
Chia sẻ
Tuần qua, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Cụ thể, ngày 11/4, Tổng cục Hải Quan mới nhận được quyết định của Bộ Công Thương và đã khẩn trương thiết lập hệ thống khai báo hải quan theo các tiêu chí của Bộ Công Thương đưa ra. 

24 giờ ngày 11/4, hệ thống đã mở và chỉ trong vài tiếng 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu đã được đăng kí hết.

Trong tổng số 39 doanh nghiệp đã nhanh chân đăng kí hết số lượng hạn ngạch cho phép, Công ty Intimex đăng kí được tới trên 96.000 tấn, chiếm 1/4 hạn ngạch. Ngay sau đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác đã “kêu” lên tới Thủ tướng vì cho rằng việc mở tờ khai hải quan vào lúc 0 giờ à “có vấn đề”.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ngày 15/4 đã có báo cáo nhanh gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan và các đơn vị khác có liên quan về những bất cập, khó khăn gặp phải của các thương nhân khi mở tờ khai hải quan để xuất khẩu gạo.

Theo VFA, các thương nhân cho rằng việc đăng kí tờ khai đã được triển khai lúc 0 giờ ngày 12/4 và kết thúc chỉ sau 2 tiếng 30 phút cùng ngày đã có các doanh nhân đăng kí đủ số lượng xuất khẩu 400.000 tấn gạo.

Vì thế, các thương nhân chưa mở được tờ khai đang có hàng sẵn sàng trên cảng không được phép xuất khẩu và phải đối diện với tất cả chi phí phát sinh từ các container hàng trên cảng.

The đó, ngày 17/4, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Trước phản ứng gay gắt của nhiều doanh nghiệp liên quan đến việc xuất khẩu gạo, ngày 17/4, Tổng cục Hải quan cho biết cơ quan này tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lí dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS), để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0h ngày 12/4.

Việc trừ lùi sẽ được hệ thống tự động thực hiện ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống, theo nguyên tắc tờ khai hải quan đăng kí trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước.

Hệ thống sẽ tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng kí tờ khai hải quan nếu số lượng đăng kí chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu là 400.000 tấn, không có sự can thiệp của công chức hải quan.

Bản tin thị trường gạo tuần 16/2020: 'Nóng' chuyện xuất khẩu gạo - Ảnh 1.

Bộ Công thương đề xuất tiếp tục cho xuất khẩu gạo nếp không giới hạn. (Nguồn: Thanh niên)

Bên cạnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về vấn đề xuất khẩu gạo nói trên, ngày 18/4, Bộ Công Thương còn có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo nếp, tấm nếp.

Cụ thể, văn bản số 2764 của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 17/4 ghi rõ, hàng năm, nếp (gạo nếp, tấm nếp) được gieo trồng tại nhiều tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng chủ yếu ở hai tỉnh Long An và An Giang.

Hiện nay, trong số các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, có một số đơn vị chỉ xuất khẩu nếp hoặc coi nếp là mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cho rằng Danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia theo Nghị định 94/2013 của Chính phủ chỉ bao gồm thóc tẻ và gạo tẻ, không bao gồm thóc nếp, gạo nếp và tấm nếp. Có nghĩa là ngay cả trong tình huống đột xuất, cấp bách thì thóc nếp, gạo nếp và tấm nếp cũng không thuộc diện huy động vào dự trữ quốc gia.

Trên các cơ sở đó, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép tiếp tục xuất khẩu nếp theo nhu cầu và không tính vào lượng hạn ngạch gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và thời gian tới (trường hợp tiếp tục duy trì hạn ngạch xuất khẩu gạo).

Thu Hoài