|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguyên Viện trưởng VEPR: Điều hành xuất khẩu gạo là quá vội vã

16:17 | 20/04/2020
Chia sẻ
Theo nguyên Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành, thay vì cấp quota xuất khẩu gạo, cần tính tới phương án thu thuế xuất khẩu gạo để thị trường tự điều tiết

Những khó khăn của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong những ngày gần đây khiến dư luận cho rằng việc điều hành xuất khẩu gạo của các Bộ, ngành đang thiếu sự phối hợp.

Liên quan đến nội dung này, phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đức Thành - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).

TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, thay vì cấm xuất khẩu hay cấp quota xuất khẩu gạo như hiện nay, cần tính tới phương án thu thuế xuất khẩu gạo để thị trường tự điều tiết, tăng nguồn thu ngân sách và minh bạch thị trường.

Nguyên Viện trưởng VEPR: Điều hành xuất khẩu gạo là quá vội vã - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Đức Thành - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR). (Ảnh: KT).

PV: Thưa TS. Nguyễn Đức Thành, ông nhìn nhận như thế nào về công tác điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua, đặc biệt là thời điểm đầu tháng tư và rồi?

TS. Nguyễn Đức Thành: Điều hành xuất khẩu gạo của chúng ta những ngày vừa qua là quá vội vã khiến cho nhiều doanh nghiệp bị động, bất ngờ. Tôi nghĩ đây chỉ là do cách điều hành thôi. Việc chúng ta lo lắng cho an ninh lương thực và gạo có thể bị xuất khẩu nhiều và đẩy giá trong nước lên. Tôi nghĩ đó là điều lo lắng đúng.

Tuy nhiên để điều tiết trước thị trường như thế này và có chính sách phù hợp thì chúng ta không nên vội vàng ngăn chặn xuất khẩu chỉ trong một đêm như vậy. Nó quá bất thường, chúng ta nên có chính sách phù hợp hơn, nó vừa phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp có khả năng phản ứng và dự báo được tương lai về mặt chính sách cũng như thị trường.

Còn cách làm hiện nay, tôi nghĩ là quá đột ngột. Sau đó chúng ta lại chuyển sang chế độ quota, tức là chuyển từ chế độ cấm xuất khẩu hoàn toàn sang chế độ quota - là phân phối.

Chế độ quota thì nhiều người cũng đã biết, đây là một chế độ mà chúng ta đã có kinh nghiệm trong quá trình hội nhập và mở cửa ra thế giới, một chế độ mà nó tạo ra rất nhiều phức tạp, nào là xin - cho giữa các doanh nghiệp với các cơ quan điều hành của Nhà nước. Và tôi nghĩ rằng đây không còn là công cụ tốt nữa.

PV: Trong bối cảnh chúng ta phải sử dụng hình thức quota-hạn ngạch như vậy thì Cục dự trữ Nhà nước cho biết là Cục dự trữ nhà nước không mua được. Mặc dù đã có những doanh nghiệp trúng thầu nhưng lại sẵn sàng bỏ thầu để xuất khẩu thay vì ký kết hợp đồng bán cho Cục dự trữ Nhà nước. Vậy ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này, và vì sao lại có chuyện đó?

TS. Nguyễn Đức Thành: Đây là một thực tế mà tôi cho là thú vị. Tôi phải nói là thú vị chứ không đánh giá đó là xấu hay là tốt như thế nào.

Tức là, bản thân Cục dự trữ quốc gia hay là bất kỳ cơ quan nào của Nhà nước khi tham gia vào thị trường cũng phải có tư duy thị trường và chấp nhận những diễn biến của thị trường, nguyên tắc của thị trường chứ không phải cứ thích làm gì thì làm, hay là thấy đắt thì bán mà thấy rẻ thì tháo chạy. Không phải đơn giản như vậy, mà là thực hiện trên nguyên tắc hợp đồng.

Nguyên tắc ở đây là khi Cục dự trữ bỏ thầu để mua dự trữ theo đúng quy trình và doanh nghiệp cũng tham gia, họ trúng thầu, có doanh nghiệp trung thầu để bán cho Cục dự trữ. Thì đối với điều kiện bình thường đây đã là một thắng lợi của doanh nghiệp. Nhưng sau đấy thì thị trường thế giới diễn biến phức tạp, giá tăng lên khiến cho doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn để xuất khẩu đi.

Trước thực tế này thì các doanh nghiệp họ sẽ có quyền thay đổi theo cách là họ bỏ thầu. Nhưng họ bỏ thầu thì cũng phải theo nguyên tắc hợp đồng, theo luật, theo các quy định - đền bù các thiệt hại đã gây ra.

Ví dụ như hai dân sự mua nhà đặt cọc với nhau rồi nhưng người ta không mua nữa thì mất đặt cọc. 

Nếu như điều ấy diễn ra thì tôi nghĩ cả hai bên đều chấp nhận. Ở đây, trong trường hợp là nếu như Cục dự trữ của chúng ta cũng như là doanh nghiệp, hành xử theo đúng như các nguyên tắc của thị trường, hợp đồng thì không có điều gì để trách - kể cả các doanh nghiệp đã bỏ thầu, bởi vì họ đã phải chịu nộp phạt. Đấy là những cái tính toán mang tính chất lợi ích và có lý trí của họ.

Thế thì từ phía của Cục dự trữ quốc gia tôi nghĩ rằng, họ cũng cần phải thừa nhận đấy là thị trường, chúng ta không nên áp đặt và tuân thủ phù hợp với nguyên tắc thị trường; coi như đó là rủi ro kinh doanh, trong mua bán, cũng giống như doanh nghiệp họ cũng phải chịu những rủi ro hàng ngày.

Tôi thấy, đây có khuynh hướng là trong khi không mua được như vậy thì đã điều chỉnh chính sách ngăn chặn xuất khẩu để doanh nghiệp không có cửa ra như vậy.

Giống như một sự ép doanh nghiệp hành vi đúng như mình mong muốn, thì đấy là một cách mà tôi cho rằng không phù hợp với kinh tế thị trường. Bởi vì Cục dự trữ cũng phải hiểu rằng mình cũng chỉ là một tác nhân của thị trường, là người mua thôi.

Người bán trước đây muốn bán cho mình nhưng bây giờ không muốn bán nữa, người ta chấp nhận chịu phạt, chấp nhận hủy cọc và buộc chúng ta phải chấp nhận.Chúng ta phải mời thầu mới và phải chấp nhận với điều kiện mới, với thị trường diễn biến như vậy.

Nguyên Viện trưởng VEPR: Điều hành xuất khẩu gạo là quá vội vã - Ảnh 2.

Điều hành xuất khẩu gạo của chúng ta những ngày vừa qua là quá vội vã khiến cho nhiều doanh nghiệp bị động, bất ngờ.

PV: Tất cả những lý do của việc điều hành vừa qua được cho rằng đây là trong bối cảnh đặc biệt, đó là có dịch bệnh và dịch bệnh diễn biến phức tạp ở trên toàn thế giới. Từ thực tế của việc các doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt để xuất khẩu thay vì bán cho Cục dữ trữ Nhà nước thì ông nhìn nhận như thế nào?

TS. Nguyễn Đức Thành: Đúng là thị trường có những diễn biến phức tạp. Do dịch bệnh thì các nước và đặc biệt là những nước nhập khẩu gạo ròng - không có khả năng sản xuất về gạo họ rất lo cho vị trí bấp bênh nên sẽ tăng nhập khẩu. Đây là một thực tế của thế giới. Và vì thế thì nhu cầu xuất khẩu gạo tăng lên và giá gạo cũng tăng lên.

Như vậy, Việt Nam cũng như Thái Lan và một số ít nước khác - là nước xuất khẩu gạo ròng cần đón nhận thực tế này một cách cẩn trọng và tỉnh táo, đồng thời coi đấy là một cơ hội.

Đồng thời, chúng ta cũng thấy lãnh đạo các nước cũng rất lo lắng cho việc là liệu có mất an ninh lương thực hay không, có làm cho lúa gạo trong nước bị đẩy lên không… 

Nhưng trong bối cảnh đó thì chúng ta vốn là một nước có thặng dư về sản xuất lúa gạo, và đồng thời các vụ lúa của chúng ta cũng ngày càng tiến lên – chúng ta hoàn toàn có thể có được chính sách bình tĩnh, phù hợp với điều kiện vẫn xuất khẩu gạo. Nhưng cần xem xét nên xuất với một lượng như thế nào để không cho đảo lộn thị trường trong nước.

PV: Vậy khuyến nghị chính sách cụ thể của ông ở đây là gì?

TS. Nguyễn Đức Thành: Nếu như các nhà chính sách đặt ra một mục tiêu là muốn bình ổn thị trường gạo - không cho thiếu gạo, giá gạo thay đổi quá lớn thì có một số cách như sau:

Thứ nhất, cấm hoàn toàn xuất khẩu gạo. Mà như vậy thì giá gạo của thế giới không lưu thông với giá gạo của Việt Nam nữa và giá trong nước sẽ xuống thấp. Nhưng điều này thì lại gây ra thiệt hại cho các doanh nghiệp một cách rõ ràng và gạo sẽ dư thừa.

Thứ hai, chúng ta sử dụng chế độ quota - đây là hai chính sách mà từ đầu tôi đã đề cập. Nhưng chế độ quota chúng ta đang thực hiện tương đối cũ, lạc hậu, tức là cân đối xem là khối lượng tiêu dùng và khối lượng sản xuất ra như thế nào ở mức hơp lý, vừa đủ rồi thì chúng ta mới xuất khẩu. Thế thì liệu như vậy chúng ta có thể giữ được giá là không đổi.

Nhưng điều này nó tạo ra một loạt các vấn đề mà chúng ta đã thấy trong quá khứ 10 - 20 năm trước. Đến bây giờ, với xuất khẩu gạo vừa rồi, chúng ta thấy là các cơ quan hữu quan họ có cớ để hành doanh nghiệp, hay các doanh nghiệp phải chạy đua với nhau để “đi đêm” để có được quota… rất là bất lợi.

Ngoài ra, còn có một chính sách thứ ba nữa mà tôi có đề xuất – tức là trong bối cảnh chúng ta cần sử dụng nhiều công cụ thị trường hơn thì chúng ta nên đánh thuế xuất khẩu gạo. Đánh thuế xuất khẩu với những mặt hàng mà chúng ta muốn kiểm soát, muốn làm cho tốc độ xuất khẩu tăng chậm lại - thì việc đánh thuế xuất khẩu có một ý nghĩa rất lớn.

Thuế đấy giúp tạo ra giá ở thị trường trong nước thì nó thấp hơn giá thế giới, và sự chênh lệch ấy bằng đúng với các khoản thuế xuất khẩu đánh vào như vậy chúng ta đạt được mấy mục tiêu: Làm cho giá gạo trong nước thấp hơn giá thế giới để bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam. Đồng thời lại giúp cho các doanh nghiệp tính toán được và không bị cản trở bởi số liệu nào.

Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ tính toán là có nên xuất khẩu không, hay là bán cho Cục dự trữ, bán cho người dân ở trong nước - những người mà sẵn sàng chấp nhận có một mức giá cao hơn trong thời kỳ khó khăn về lúa gạo như thế này. Như vậy là rất hài hòa, và một điểm rất quan trọng nữa là nhờ việc xuất khẩu đó thì tiền thuế thu được sẽ vào thẳng Ngân sách Nhà nước, rất minh bạch.

Vì vây, tôi cho rằng trong ba chính sách trên thì hai chính sách đầu tiên là cấm xuất khẩu và chính sách quota đều là những chính sách mang tính chất cứng nhắc, cực đoan. Chính sách còn lại, chúng ta muốn điều tiết thì có thuế xuất khẩu và sẽ đạt được một chính sách uyển chuyển hơn.

Và còn một chính sách cuối cùng nữa - thả lỏng thị trường. Có nghĩa để cho thị trường trong nước và thế giới liên thông với nhau, tự do hoàn toàn. Bản thân tôi cũng cho thấy đây là chính sách rủi ro thực sự. Bởi nó sẽ xáo trộn thị trường thế giới mà Việt Nam là một nước xuất khẩu nhiều lúa gạo, chúng ta không đáng phải chịu để giá gạo dao động theo sức mua của những nước mà không có khả năng sản xuất như vậy.

PV: Xin cảm ơn ông.

Nguyên Long

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.