|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bộ Tài chính: Đầu tư ngoài doanh nghiệp của Hancorp không hiệu quả, nguy cơ mất vốn

07:02 | 07/12/2017
Chia sẻ
Việc đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Hancorp không mang lại hiệu quả, tỷ suất cổ tức/vốn đầu tư rất thấp chỉ đạt 2,6%/tổng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp; vốn đầu tư tập trung chủ yếu tại các công ty liên kết và đầu tư dài hạn khác là các công ty mà Tổng công ty không có quyền chi phối, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại Hancorp.
 

Kết quả sản xuất kinh doanh Hancorp chưa cao

Bộ Tài chính vừa có báo cáo tình hình và hiệu quả hoạt động kinh doanh năm 2016 của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – Công ty cổ phần (Hancorp).

Cụ thể, tổng doanh thu năm 2016 của Hancorp là 2.776 tỷ đồng, trong đó doanh thu kinh doanh bất động sản và xây dựng chiếm 94%/doanh thu và tăng 12% so với năm 2015. Lợi nhuận thực hiện năm 2016 đạt 128 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, các chỉ số lợi nhuận/tổng tài sản là 1,95%, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu là 4,6%, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đều lệ là 7,4% cho thấy kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty chưa cao.

dau tu ra ngoai doanh nghiep cua hancorp khong mang lai hieu qua tiem an nguy co mat von

Về đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, theo báo cáo của Hancorp thì Tổng công ty không đầu tư các lĩnh vực kinh doanh có tính chất rủi ro cao như tổ chức tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán,… Hancorp chỉ đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết có lĩnh vực ngành nghề kinh doanh chính của Tổng công ty.

Tại thời điểm 31/12/2016, tổng giá trị đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Tổng công ty là 1.280 tỷ đồng, gồm 6 công ty con với giá trị 176,3 tỷ đồng (chiếm 14%/tổng giá trị đầu tư). Trong đó 4/6 công ty con có lãi, 2/6 công ty lỗ. Một số công ty con có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao như Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 1 Hà Nội (11,5 lần), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ (7,2 lần) và Công ty TNHH MTV Hantech (7,38 lần).

Đầu tư vào 20 công ty liên kết 695 tỷ đồng (chiếm 54%/tổng giá trị đầu tư). Một số công ty có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu rất cao như: Công ty cổ phần Lắp máy điện nước và xây dựng (6,3 lần), Công ty cổ phần Thi công cơ giới và xây lắp (11,2 lần), Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng bất động sản Lanmak (13,09 lần), Công ty cổ phần Hancorp 2 (42,4 lần)….

Đầu tư dài hạn khác (14 công ty): 409 tỷ đồng (chiếm 32%/tổng vốn đầu tư).

Năm 2016, Hancorp được chia cổ tức là 33,8 tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ một số công ty liên kết (28 tỷ đồng) gồm Công ty cổ phần Xây dựng số 1 Hà Nội, Xây dựng bảo tàng Hồ Chí Minh, Đầu tư và xây dựng quốc tế Vigeba, Trung Đô,…; còn lại là cổ tức của 2 công ty con (5,8 tỷ đồng).

Tại thời điểm 31/12/2016, tổng số dư trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính của Hancorp là 328 tỷ đồng, trong đó có một số khoản đầu tư trích lập dự phòng bằng hoặc gần bằng số vốn đầu tư như: Công ty cổ phần Bê Tông xây dựng Hà Nội (100%), Công ty liên doanh quốc tế Hồ Tây (100%), Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển xây dựng 67%/vốn đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ 87%/vốn đầu tư,…

Bộ Tài chính nhận thấy, việc đầu tư của Hancorp không mang lại hiệu quả, tỷ suất cổ tức/vốn đầu tư rất thấp chỉ đạt 2,6%/tổng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp; vốn đầu tư tập trung chủ yếu tại các công ty liên kết và đầu tư dài hạn khác là các công ty mà Tổng công ty không có quyền chi phối, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn.

Nợ phải thu chiếm tỷ trọng lớn

Về tình hình tài sản và nợ phải thu, tại thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của Hancorp là 6.650 tỷ đồng, cơ cấu tài sản chủ yếu là nợ phải thu chiếm 51% và đầu tư tài chính dài hạn chiếm 20% tổng tài sản.

Nợ phải thu là 3.341 tỷ đồng (gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu), trong đó có một số khoản nợ quá hạn trên 1 năm như: Phải thu công ty cổ phần Đầu tư và phát triển xây dựng 1 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo cả 3,573 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ 6,5 tỷ đồng…

Đặc biệt, phải thu về cổ phần hóa 218 tỷ đồng, tại thời điểm 31/12/2016 Ban chỉ đạo cổ phần hóa vẫn chưa phê duyệt báo cáo quyết toán cổ phần hóa của Tổng công ty… Mặc dù, phát sinh các khoản phải thu quá hạn như trên nhưng số dư trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi của Tổng công ty chỉ là 158 triệu đồng.

Tại thời điểm 31/12/2016, hệ số khả năng thanh toán hiện thời là 1,45 lần, hệ số khả năng thanh toán tức thời là 0,07 lần.

Qua số liệu trên cho thấy, mặc dù khả năng thanh toán nợ ngắn hạn tại Tổng công ty được đảm bảo nhưng với nợ phải thu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản và hệ số thanh toán tức thời thấp cho thấy Tổng công ty sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ đến hạn trong trường hợp chủ đầu tư chậm thanh toán hoặc tình hình sản xuất kinh doanh không thuận lợi.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu năm 2016 tăng so với năm 2015

Tại thời điểm 31/12/2016, tổng nguồn vốn của Hancorp là 6.560 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm 77% tổng nguồn vốn; cơ cấu nợ ngắn hạn chiếm 68% và nợ dài hạn chiếm 32%/tổng nợ phải trả.

Nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2016 là 5.039 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn trong nước là 718 tỷ đồng (tăng 1,5 lần so với năm 2015) chủ yếu vay phục vụ hoạt động xây lắp trong khi chờ chủ đầu tư thanh toán. Vay dài hạn trong nước 1.792 tỷ đồng (tăng 2,7 lần so với năm 2015) chủ yếu trong năm Tổng công ty vay để thực hiện các dự án hạ tầng, đô thị với thời gian thực hiện dài; Trích trước chi phí các Công trình xây dựng là 377 tỷ đồng; Trích trước chi phí các dự án bất động sản mà Tổng công ty là chủ đầu tư là 732 tỷ đồng.

Vốn điều lệ của Hancorp tại thời điểm 31/122016 là 1.140 tỷ đồng, trong đó nhà nước năm 98,8% vốn điều lệ. Năm 2016, Tổng công ty đã thực hiện chia cổ tức 6%/vốn điều lệ.

Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2016 là 3,3 lần, tăng so với năm 2015.

Qua số liệu trên cho thấy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu năm 2016 tăng so với năm 2015, mặc dù chủ yếu do tăng vay nợ phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính (xây lắp và bất động sản) nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro về tài chính trong trường hợp chủ đầu tư không kịp thời thanh toán hoặc dự án bị chậm tiến độ.

Khẩn trương phê duyệt báo cáo quyết toán cổ phần hóa

Từ tình hình trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Hancorp rà soát, đánh giá về các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Tổng công ty đảm bảo hiệu quả đầu tư vốn; có biện pháp và thoái bớt vốn đối với các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả để tập trung nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính và hoạt động mang lại hiệu quả cao hơn; rà soát lại các trường hợp công ty con, công ty liên doanh, liên kết có lợi nhuận nhưng không chia cổ tức, lợi nhuận (nếu có) để yêu cầu báo cáo giải trình và có giải pháp cụ thể.

Có ý kiến để Tổng công ty có biện pháp cần thiết thu hồi nợ phải thu quá hạn, các khoản khách hàng, chủ đầu tư còn nợ chưa thanh toán để không làm thất thoát, bị chiếm dụng vốn.

Rà soát việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và nợ phải thu khó đòi của Tổng công ty đảm bảo theo đúng chế độ quy định.

Có ý kiến với người đại diện vốn của Tổng công ty tại các công ty con, công ty liên kết tăng cường công tác phân tích, đánh giá kỹ các nguyên nhân chính và xây dựng phương án khắc phục khó khăn tài chính đối với các công ty có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao và/hoặc phát sinh lỗ, lỗ lũy kế.

Kiểm tra việc trích lập chi phí các công trình xây dựng và trích trước chi phí các dự án bất động sản mà Tổng công ty là chủ đầu tư, trường hợp không đúng quy định đề nghị hoàn nhập thu nhập chịu thuế.

Theo báo cáo tài chính 2016 của Tổng công ty thì số phải thu về cổ phần hóa của Tổng công ty là 218 tỷ đồng và tại thời điểm 31/12/2016 Ban chỉ đạo vẫn chưa phê duyệt báo cáo quyết toán cổ phần hóa của Tổng công ty. Vì vậy đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương phê duyệt báo cáo quyết toán cổ phần hóa và đôn đốc Tổng công ty thu hồi khoản phải thu về cổ phần hóa nêu trên.

Ngoài ra, theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 thì Hancorp không thuộc diện nhà nước nắm giữ vốn. Do đó, đề nghị Bộ Xây dựng đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại Hancorp.

dau tu ra ngoai doanh nghiep cua hancorp khong mang lai hieu qua tiem an nguy co mat von Chính phủ xử lý một loạt sai phạm tại Tổng công ty Sông Đà gần 3.000 tỷ đồng

Vấn đề lớn nhất phải kể đến việc TCT Sông Đà đầu tư ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ hơn 2.355 tỷ đồng.

dau tu ra ngoai doanh nghiep cua hancorp khong mang lai hieu qua tiem an nguy co mat von Thanh tra Chính phủ kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, kể cả người về hưu trong sai phạm quản lý vốn Tập đoàn Sông Đà

Thanh tra Chính phủ cho rằng Bộ Xây dựng với vai trò là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc ...

Minh Anh

Khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 300 tỷ đồng phiên VN-Index tăng điểm diện rộng
NĐT nước ngoài có phiên mua ròng thứ hai liên tục với quy mô 294 tỷ đồng. Giao dịch giải ngân chủ yếu tập trung trên HOSE với hơn 243 tỷ đồng.