Bộ Nông nghiệp cảnh báo tăng “nóng” tổng đàn lợn cả nước
Theo Bộ NN&PTNT, việc phát triển chăn nuôi lợn “quá nóng” thời gian gần đây, đang tạo nên sự mất cân đối cung cầu, gây hệ luỵ không nhỏ với lĩnh vực chăn nuôi trọng yếu này. Đặc biệt, đầu tư chăn nuôi lợn rất cao, vòng đời dài (bình quân 20-30 triệu đồng cho 1 lợn nái ngoại, thời gian khai thác 3 năm).
Bộ NN&PTNT đã cảnh báo các địa phương, không tăng quy mô đàn lợn bằng mọi giá (ngay cả thời trong thời điểm giá lợn hơn tăng trên 50.000 đồng/kg), cần thay đổi cơ cấu giống, phương thức chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt thị trường lợn của Việt Nam.
Hiện giá lợn xuống rất thấp, có nơi dưới 30.000 đồng/kg, chưa có dấu hiệu hồi phục, gây thua thiệt cho người chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi lợn thịt phải mua con giống giá cao và phụ thuộc thức ăn chăn nuôi bên ngoài. Nếu tình hình này kéo dài, các hộ chăn nuôi như thế này sẽ khó có thể tồn tại được.
Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường và tiềm năng từng địa phương. Việc mở rộng quy mô đầu lợn trên địa bàn phải căn cứ vào tín hiệu thị trường, nhất là quy mô lợn nái; khuyến khích thay đổi cơ cấu giống và phát triển giống cao sản, giống đặc sản để đa dạng hoá sản phẩm và tránh rủi ro.
Cùng đó, các địa phương đa dạng hoá phương thức chăn nuôi, không quá chú trọng chăn nuôi lợn công nghiệp, cần chú ý phát triển mô hình chăn nuôi lợn bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống và chăn nuôi hữu cơ, thế mạnh của loại hình chăn nuôi nông hộ nước ta.
Bộ NN&PTNT cũng khuyến khích các địa phương phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết, có sự tham gia đầu tư kết nối thị trường của các doanh nghiệp; tổ chức liên kết trong sản xuất dịch vụ của hợp tác xã, tổ hợp tác, hội, hiệp hội với các hộ chăn nuôi.
Cần chọn hình thức hỗ trợ các chính sách phát triển thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã, coi điều kiện để các hộ chăn nuôi được thụ hưởng các chính sách phải tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất.
Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch các tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho tiêu dùng nội địa và yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Nghiêm cấm các cơ quan thú y, quản lý thị trường, công an, lập các chốt kiểm dịch và thu phí trái quy định. Hạn chế việc dừng chờ đối với các xe chở gia súc, gia cầm sống, nhất là với các xe chở lợn sống nếu không có dấu hiệu vi phạm.
Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, thịt lợn hiện nay, về cơ bản là tiêu thụ nội địa, thay thế hàng nhập khẩu và từng bước mở rộng xuất sang các nước, chứ không phụ thuộc một quốc gia nào. Đồng thời, cần thông tin kịp thời, đầy đủ về giá lợn hơi và giá thịt lợn của thị trường để người chăn nuôi không bị thương lái ép giá.