|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ NN&PTNT yêu cầu thanh tra mặt hàng phân bón trước đà giá tăng tới 72%

21:07 | 09/08/2021
Chia sẻ
Tổ Công tác 970 Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương cùng phối hợp thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu) không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng… tạo khan hiếm giả tạo để trục lợi.

Theo Bộ NN&PTNT, tổng hợp từ số liệu sản xuất trong nước và nhập khẩu phân bón tính đến ngày 8/8 cho thấy giá phân bón hiện nay tăng cao so với đầu năm 2021. 

Phân bónGiá (đồng/kg)Mức tăng (%)

Phân đạm Cà Mau

11.700

72%

Phân DAP Đình Vũ

14.300

67,3%

Phân NPK Bình Điền

10.760

24,3%

Phân SA bột của Trung Quốc

5.250

60,6%

Phân DAP 64% nhập khẩu Trung Quốc

16.800

50%

Ngày 8/8, Tổ Công tác 970 Bộ NN&PTNT có công văn về việc tăng cường kiểm tra vật tư nông nghiệp trong tình hình dịch COVID-19 gửi Tổ Công tác 970 Bộ Công Thương, đề nghị chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh phía Nam phối hợp với Thanh tra Cục Bảo vệ thực vật và Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu) không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng… tạo khan hiếm giả tạo để trục lợi.

Trước đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết sau đại dịch COVID-19, một số nước trên thế giới bước đầu thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, chính vì thế lượng sử dụng phân bón tăng trên phạm vi toàn cầu.

Các nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón của thế giới tăng rất cao. Lưu huỳnh tăng trên 200% so với thời điểm thấp nhất của năm 2019; amoniac tăng gần 200%, kéo theo đó là những phân bón đơn, như ure, DAP, super lân… tăng giá theo.

Tiếp đến, giá dầu khí thế giới tăng, nhiên liệu tăng, do vậy quá trình vận chuyển tăng. Bên cạnh đó, do COVID-19, container thiếu hụt trầm trọng, có lúc chi phí vận chuyển container tăng đến 5 lần so với trước đây. Đó là những nguyên nhân chính làm tăng giá phân bón.

Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ các nguyên nhân khác như quá trình điều phối lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, do chúng ta gần nước nông nghiệp lớn là Trung Quốc, ảnh hưởng từ Trung Quốc về hóa chất, phân bón rất lớn.

Trung Quốc có hệ thống chính sách thuế với phân bón rất nhanh nhạy và biên rất rộng. Trong thời gian qua, Trung Quốc bằng rất nhiều hình thức đã hạn chế xuất khẩu, chính vì thế, chúng ta có thể thiếu một cách cục bộ phân bón theo thời gian cho một số các giai đoạn.

Nguyên nhân cuối cùng, vụ hè thu là vụ sử dụng phân bón rất lớn trên toàn quốc, do vậy có thể có những lúc nhu cầu phân bón tăng cao.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật riêng 6 tháng đầu năm 2021, thống kế cho thấy sản xuất phân bón trong nước đều tăng 5% so với cùng kỳ của năm 2020, lượng nhập khẩu cũng tăng khoảng 6%. 

Sản xuất tăng, nhập khẩu tăng và nhu cầu sử dụng không tăng, giữ ổn định so với năm 2020, thậm chí còn giảm bởi trong chuyển đổi, tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều diện tích trồng trọt đã chuyển đổi sang mục đích khác.

Vậy với cung - cầu như vậy, hoàn toàn có thể khẳng định nguồn cung phân bón của chúng ta không thiếu. 

"Có thể, việc khan hiếm chỉ mang tính chất cục bộ ở một số nơi nào đó hoặc một số thời điểm nào đó. Còn về khả năng cung ứng để phục vụ cho nhu cầu nông nghiệp hoàn toàn chúng ta có thể đáp ứng được", ông Hoàng Trung cho biết.

H.Mĩ