Bộ NN&PTNT lý giải lý do giá heo hơi tăng
Giá heo hơi hôm nay (26/7) vẫn 'ngại' lên 40.000 đồng/kg | |
Giá heo hơi hôm nay (26/7): Mạo hiểm tái đàn, liều sẽ lãi lớn? |
Giá lợn hơi tăng vì đâu?
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tháng 7/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông (NN&PTNT) chỉ ra rằng, giá lợn trong thời gian qua tăng mạnh, ngoài yếu tố Trung Quốc nhập hàng trở lại, còn do số lợn đến kỳ xuất chuồng được bán đồng loạt một lúc nên lứa lợn kế tiếp chưa kịp lớn.
Cụ thể, tại Đồng Nai, trong tháng 7, giá lợn hơi tăng từ 22.000 đ/kg lên 42.000 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, Bạc Liêu, giá lợn hơi đã tăng 16.000 – 18.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng, với mức giá hiện tại là 38.000 – 41.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định, giá lợn hơi sau khi tăng khoảng 18.000 đồng/kg, đã có lúc tăng lên mức hơn 40.000 đ/kg, mặc dù cũng có thời điểm giảm xuống mức 30.000-35.000 đồng/kg.
Đồng thời, giá lợn hậu bị và lợn con giống cũng tăng cao. Tại Đồng Nai, lợn hậu bị do công ty cung cấp cũng đã tăng từ 5,5 triệu đồng/con, lên hơn 7 triệu đồng/con. Tại Bến Tre, lợn con (trọng lượng 15-20kg), hiện đang có mức giá là 1 - 1,2 triệu đồng/con.
Giá lợn tăng cũng đã đẩy giá thu mua gia cầm tại một số tỉnh phía Nam cũng đã nhích 2.000 – 4.000 đồng/kg so với đầu tháng và hiện ở mức giá là 23.000 – 25.000 đồng/kg.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, chăn nuôi lợn trong tháng qua có tín hiệu khả quan do giá thịt lợn đang tăng nhanh. Mặc dù vậy, trong những ngày gần đây, người chăn nuôi vẫn thận trọng trong việc đầu tư tái đàn.
Hiện tại, hầu như chỉ các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn tái đàn nhưng số lượng rất hạn chế, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như không tái đàn hoặc nếu có thì số lượng rất ít. Ước tính tổng số lợn cả nước tháng 7 giảm 3,3% so với cùng kỳ 2016.
Tổng số lợn cả nước tháng 7 giảm 3,3% so với cùng kỳ 2016. Ảnh: Vietnamnet. |
Tình hình xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 7 tháng đầu năm khả quan
Theo báo cáo của bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7 ước đạt 3,11 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 20,45 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong số đó, so với cùng kỳ năm 2016, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,89 tỷ USD, tăng 18%; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 4,31 tỷ USD, tăng 17,5%, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 4,41 tỷ USD, tăng 10,8%.
Nhiều loại nông sản như cà phê, điều, rau quả vẫn duy trì sự tăng trưởng xuất khẩu khá tốt nhờ giá tăng cao.
Cụ thể, xuất khẩu cà phê tháng 7 ước đạt 106.000 tấn với giá trị đạt 242 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê ướt đạt 937.000 tấn với 2,12 tỷ USD, giảm 16,4% về khối lượng nhưng tăng 7,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Tương tự, mặt hàng điều cũng tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu. Khối lượng hạt điều xuất khẩu 7 tháng ước đạt 186.000 tấn với 1,83 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 7 đạt 360 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu hàng rau quả 7 tháng ước đạt 2,03 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu lúa gạo tiếp tục tăng trưởng, ghi nhận mức tăng 15,7% về khối lượng và tăng 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng qua ước đạt 3,3 triệu tấn và 1,5 tỷ USD.