|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ NN&PTNT: Giá cà phê khó phục hồi trong thời gian tới

10:25 | 02/08/2018
Chia sẻ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) dự báo giá cà phê khó tăng mạnh do thị trường vẫn chịu áp lực nguồn cung từ mùa vụ mới và nhu cầu chưa có nhiều cải thiện.

Giá cà phê tháng 7 tiếp tục giảm 100 - 300 đồng/kg

Theo Báo cáo thực hiện kế hoạch tháng 7/2018 của ngành nông nghiệp và phát triển (Bộ NN&PTNT), trong tháng 7, thị trường cà phê trong nước tiếp tục giảm nhẹ theo xu hướng thị trường thế giới.

So với tháng trước, giá cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 100 - 300 đồng/kg xuống còn 34.700 - 35.400 đ/kg. Giá cà phê giảm do dự báo vụ mùa mới năm nay của Brazil sẽ đạt ngưỡng kỷ lục hơn 60 triệu bao và sản lượng cà phê Việt Nam sẽ hơn 29,9 triệu bao, mức đỉnh nhiều năm gần đây.

bo nnptnt gia ca phe thang 7 tiep tuc giam 100 300 dongkg kho phuc hoi trong thoi gian toi
Bộ NN&PTNT: Giá cà phê tháng 7 tiếp tục giảm 100 - 300 đồng/kg, khó phục hồi trong thời gian tới

Giá cà phê khó tăng mạnh do thị trường vẫn chịu áp lực nguồn cung

Theo ông Phan Xuân Thắng -, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Việt Nam, với mức giá cà phê như hiện nay, người nông dân không có lãi.

“Dự báo, thời gian tới, giá cà phê khó tăng mạnh do thị trường vẫn chịu áp lực nguồn cung từ mùa vụ mới và nhu cầu chưa có nhiều cải thiện”, Bộ NN&PTNT nhận định.

Xuất khẩu cà phê tháng 7 ước đạt 115.000 tấn với giá trị đạt 216 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,16 triệu tấn và trị giá 2,22 tỷ USD, tăng 10,8% về khối lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng 7 đạt 1.440 USD/tấn, giảm mạnh tới 476 USD/tấn so với tháng 6.

Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), sản lượng cà phê trong niên vụ 2017 - 2018 ước đạt 1,55 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với niên vụ 2016 - 2017. Xuất khẩu cà phê trong niên vụ này ước 1,5 triệu tấn, đạt kim ngạch 3 tỷ USD, tăng 0,8% về lượng nhưng giảm 10,5% về giá trị so với vụ trước.

Tổng diện tích cà phê trồng tái canh và ghép cải tạo tại các tỉnh Tây Nguyên đến hết năm 2017 là 98.210 ha, tương đương trên 81% kế hoạch năm 2020 là 120.000 ha. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo cao nhất là 51.971 ha, tương đương 113 % kế hoạch đến 2020.

Diện tích cà phê tái canh chủ yếu trồng bằng giống mới, đã từng bước phát huy tiềm năng về năng suất và chất ngay cả khi trong điều kiện biến đổi khí hậu. Ngoài 120.000 ha cần tái canh theo Đề án, vẫn còn 100.000 ha nữa đang cần được tái canh.

Đức Quỳnh