Bộ máy đang được... nuôi như thế nào?
Hiện nay có gần 3 triệu công chức, viên chức đang làm việc và hưởng lương ngân sách trong bộ máy nhà nước, thuộc loại cao so với các nước trong khu vực. Trong ảnh: Làm thủ tục về hoạt động kinh doanh tại một cơ quan nhà nước. Ảnh: QUỐC HÙNG
Đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cuối tuần trước đưa ra một ý tưởng khi Quốc hội thảo luận về dự án sân bay Long Thành. Ông Chính cho rằng, tiết kiệm chi thường xuyên chỉ 1% trong hai năm 2017-2018 sẽ có 20.000 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng cho dự án khổng lồ này.
Ông nói: “...báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội, biên chế của chúng ta không giảm mà tăng, làm cho chi tiêu thường xuyên cũng tăng lên, con số tương đối là 62,3% năm 2015; 65,7% năm 2016 và dự kiến năm 2017 là 64,9%. Tăng con số tuyệt đối năm 2016 so với năm 2015 là trên 50.000 tỉ đồng, năm 2017 so với năm 2015 là 114.000 tỉ đồng”.
Ông tính, “riêng năm 2017, (nếu) ta tiết kiệm chi được 1%, chúng ta có trên 10.000 tỉ và năm 2018, tiếp tục tiết kiệm chi 1%, ta có trên 10.000 tỉ nữa. Như vậy, chúng ta có trên 20.000 tỉ đồng” và cho rằng “muốn làm việc này tôi nghĩ chúng ta phải giảm đầu mối và giảm biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị...”.
Cho dù đại biểu Chính chỉ đóng góp ý kiến cho riêng dự án Long Thành, nhưng nó giúp khơi ra hai chủ đề rất quan trọng hiện nay: Chi thường xuyên đã cao quá trong tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) và số lượng đội ngũ trong các cơ quan nhà nước phình to khó bề kiểm soát.
Chi thường xuyên tăng cao
Chi thường xuyên đã lấn át mọi khoản chi tiêu khác trong ngân sách nhà nước. Vài năm trở lại đây, khoản chi này lớn đến nỗi chi đầu tư phát triển ngày càng co lại, và thậm chí phải vay nợ để chi thường xuyên, không phù hợp với tinh thần của Luật Ngân sách nhà nước. |
Số liệu của ông Chính là rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, xu thế chi thường xuyên trong năm tháng đầu năm nay thậm chí còn cao hơn. Theo công bố của Bộ Tài chính, năm tháng đầu năm nay, chi thường xuyên đã lên tới 362.000 tỉ đồng trong tổng chi NSNN 485.000 tỉ đồng, tương ứng với gần 74,6%.
Theo các báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, trong năm 2016, chi thường xuyên đạt gần 836.000 tỉ đồng trong tổng chi là 1.360.150 tỉ đồng; trong năm 2015 chi thường xuyên quyết toán 788.500 tỉ đồng trong tổng chi quyết toán là 1.265.625 tỉ đồng. Những số liệu này, cũng như của ông Chính, cho thấy chi thường xuyên đã lấn át mọi khoản chi tiêu khác trong NSNN. Vài năm trở lại đây, khoản chi này lớn đến nỗi chi đầu tư phát triển ngày càng co lại, và thậm chí phải vay nợ để chi thường xuyên, không phù hợp với tinh thần của Luật NSNN.
Không chỉ có thế, chi NSNN được phát hiện là “vung tay quá trán” ở rất nhiều cơ quan. Ví dụ, một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội cho biết, một số bộ, cơ quan trung ương được kiểm toán lập dự toán cao so với khả năng đáp ứng của NSNN. Một số khác lập dự toán cao hơn so với số dự kiến Bộ Tài chính giao. Chẳng hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cao hơn 163% so với số dự kiến Bộ Tài chính giao; Bộ Xây dựng 256%; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hơn 88%; Bộ Giao thông Vận tải 163%; Đài Tiếng nói Việt Nam hơn 602 tỉ đồng; VCCI 50 tỉ đồng; Bộ Tài chính 9.014 tỉ đồng. Cũng theo báo cáo này, nhiều cơ quan giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc chưa đảm bảo theo quy định như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Dân tộc, Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Đội ngũ công chức đông đảo và tham nhũng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi còn là Phó thủ tướng từng đưa ra nhận xét “gây bão” vào đầu năm 2013: “Trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về”.
Thực tế đó thêm một lần nữa được khẳng định trong một nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương Đảng có tựa đề: “Chẩn đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam” công bố tuần trước. Báo cáo này khẳng định: “Bộ máy hành chính hiện đang là một trong những điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam”.
Báo cáo này nhận xét, bộ máy hành chính cồng kềnh, chi phí cao. Hiện nay có gần 3 triệu công chức, viên chức đang làm việc và hưởng lương ngân sách trong bộ máy nhà nước, thuộc loại cao so với các nước trong khu vực. Tuy mức lương công chức, viên chức khá thấp nhưng tỷ trọng chi tiền lương trong tổng chi NSNN và trên GDP ở Việt Nam hiện nay đang ở mức cao nhất trong khu vực, cao hơn cả Thái Lan, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Ấn Độ.
Nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương cho biết, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, khảo sát người dân và doanh nghiệp, tham nhũng tại Việt Nam là phổ biến và có chi phí cao. Khảo sát năm 2015 ở Việt Nam cho thấy, 66% doanh nghiệp ở các địa phương cho rằng các doanh nghiệp cùng ngành phải chi trả những chi phí không chính thức. Đặc biệt ở Hà Nội, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức lên tới 74,5% doanh nghiệp.
Điều tra doanh nghiệp 2015 của Ngân hàng Thế giới cho thấy trên 57% số doanh nghiệp phải tặng quà để có hợp đồng với các cơ quan của Chính phủ và trên 90% doanh nghiệp phải tặng quà cho cán bộ để giải quyết công việc. Đây là mức độ cao nhất trong số các quốc gia so sánh ở khu vực. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp phải tặng quà cho cán bộ để giải quyết công việc cao gấp khoảng gần ba lần so với mức trung bình của khu vực.
Phân tích một số dữ liệu, nghiên cứu gợi ý rằng, nếu Hà Nội giảm mức độ phổ biến của tham nhũng xuống bằng mức của Đà Nẵng thì Hà Nội có thể tạo thêm hơn 110.000 lao động trong khu vực chính thức.
Cơ quan này cho rằng, các cơ quan nhà nước vẫn tự cho mình đứng trên doanh nghiệp, mang nặng tư tưởng “hành dân” thay vì “công bộc” của dân. Bộ máy hành chính hoạt động kém hiệu quả, lại được giao trực tiếp quản lý nhiều nguồn lực vật chất, ôm đồm nhiều việc không thuộc vai trò Nhà nước trong kinh tế thị trường. Đội ngũ công chức, viên chức thiếu cả động lực lẫn sức ép nâng cao hiệu suất công vụ; thiếu tiêu chí, cơ chế hiệu quả đánh giá về chất lượng, hiệu suất công việc của bộ máy hành chính.
Những nhận xét của Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Phạm Minh Chính ở Quốc hội, dù sao, cũng giúp đánh giá lại bức tranh về chi thường xuyên và bộ máy công chức. Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đã đưa ra nhiều yêu cầu cụ thể. Làm sao thực hiện những yêu cầu đó?