|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương tiếp tục rà soát áp thuế CBPG với sản phẩm plastic nhập khẩu

21:29 | 16/11/2022
Chia sẻ
Bộ Công Thương vừa ra quyết định rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm plastic nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia (mã AD07).

Ngày 14/11 Bộ Công Thương ban hành quyết định rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm plastic trong vụ việc áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm plastic được làm từ các polyme từ propylen có xuất xứ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc (mã vụ việc AD07).

Quyết định này được đưa ra sau khi Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) đã nhận được hồ sơ đề nghị rà soát thuế chống bán phá giá áp dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu mới của Công ty SRF Industries (Thailand) Limited (SRF Thái Lan) trong vụ việc AD07.

Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu, Cục Phòng vệ Thương mại đã tiến hành thẩm định và có các công văn yêu cầu bổ sung, làm rõ một số thông tin, nội dung về căn cứ rà soát nhà xuất khẩu mới của công ty. Sau khi xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ Công Thương đã ra quyết định rà soát nhà xuất khẩu mới sản phẩm plastic.

Trước đó, ngày 15/7, Bộ Công Thương đã thông tin về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic trong vụ việc AD07.  

Theo đó, hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá là một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen có độ dày từ 10 micron – 80 micron và độ rộng từ 115 mm – 7800mm, được phân loại theo các mã HS 3920.20.10 và 3920.20.91.

Cụ thể, đối với các công ty của Malaysia, mức thuế được áp dụng ở mức từ 18,87 - 23,42%. Các công ty của Thái Lan là từ 17,3 - 20,35% và các công ty của Trung Quốc là từ 9,45 - 23,71%.

Biện pháp chống bán phá giá sẽ được áp dụng đến ngày 22/7/2025 (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo quyết định của Bộ Công Thương căn cứ trên kết quả rà soát việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá theo quy định của pháp luật).

Để có cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận của nhà sản xuất và giấy tờ có liên quan khác theo quy định. 

Cụ thể, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa phù hợp với quy định tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến Bộ xuyên Thái Bình Dương; Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực; Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu; Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiêp Anh và Bắc Ailen; Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.

Trong trường hợp, người khai hải quan không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì áp dụng mức thuế chống bán phá giá là 23,71%. Trường hợp người khai hải quan nộp được chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ các nước, vùng lãnh thổ khác không phải Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc thì không phải nộp thuế chống bán phá giá…

Hoàng Anh