Bộ Công thương thừa nhận thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 chưa hợp lí
Thuế bảo vệ xăng dầu đối với xăng E5 chưa hợp lí
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, từ ngày 1/1/2018, Việt Nam chính thức thực hiện lộ trình thay xăng Ron92 bằng xăng E5. Tính đến hết năm 2018, cả nước tiêu thụ được hơn 3,1 tỉ mét khối xăng E5 tương đương 42% tổng lượng xăng tiêu thụ trên cả nước.
Tuy nhiên, trong năm 2019, ba tháng đầu năm lượng tiêu thụ E5 chỉ đạt đạt 740.000 mét khối tương đương 38% tổng lượng xăng tiêu thụ trên cả nước.
Vừa qua, Công ty TNHH Một Thành Viên Dầu khi TP HCM (Saigon Petro) gửi văn bản tới Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính kiến nghị các chính sách để phát triển xăng E5 trong thời gian tới.
Theo đó, doanh nghiệp này chỉ ra sự bất hợp lí trong việc áp dụng phương pháp tính thuế "cơ học" cho xăng E5 là bằng 95% so với xăng thông thường vì tỉ trọng xăng khoáng trong xăng E5 là 95%.
"Xăng E5 có tác động tốt đến môi trường, do vậy, để tạo khoảng cách chênh lệch giá so với xăng RON95 đủ lớn và đúng quy định về khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT), đề nghị áp dụng thu thuế BVMT trên giá trị tuyệt đối cho từng loại xăng.
Cần xem xét giảm thuế BVMT xăng E5 theo số tuyệt đối một cách phù hợp (ví dụ 500-1.000đồng/1ít), không tính thuế BVMT xăng E5 theo tỷ lệ Ethanol như hiện nay. Mục tiêu là tạo ra chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và RON95 khoảng 2.000 - 2.500 đồng/lít".
Tại buổi họp báo chính phủ thường kì tháng 4 diễn ra chiều nay chiều nay, thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận sự bất hợp lí này và cho rằng không nên tính theo phương pháp cơ học mà phải đánh giá mức độ tác động tới môi trường của xăng E5 ra sao. Hiện nay thuế môi trường kịch khung đối với xăng thông thường là 4.000 đồng/lít còn xăng E5 chỉ chênh lệch 200 đồng/lít (tức 3.800 đồng/lít).
Trong khi đó, Chính phủ đang khuyến khích sử dụng xăng E5, Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã có hẳn một dự án để tuyên truyền về lợi ích của loại xăng này trong bối cảnh nhiều người còn e ngại rằng đi xăng E5 sẽ không "bốc" hoặc chất lượng không bằng xăng khoáng.
Về giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay: "Ngay trong sáng nay, ban chỉ đạo điều hành giá đã nêu vấn đề này và đang đề xuất các cấp có thẩm quyền điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5.
Ngoài ra cần có các cách khác để tạo sự cách biệt về giá giữa xăng E5 và xăng khoáng để đảm bảo, khuyến khích người tiêu dùng. Đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kế hoạch trồng sắn cung cấp nguyên liệu sản xuất cho xăng E5. Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tuyên truyền các loại xe nào sử dụng xăng E5 để người dân yên tâm sử dụng "
Giá xăng dầu liên tục tăng mạnh trong năm 2019
Hiện nay, việc điều hành giá xăng dầu đang theo cơ chế thị trường nhưng có sự định hướng của Chính phủ. Nói cách khác, Chính phủ không bỏ đồng nào để can thiệp vào giá xăng dầu mà dùng quỹ bình ổn giá.
Quỹ bình ổn này được trích từ 300 đồng mội lít xăng dầu nhập khẩu vào Việt Nam và dùng trong các thời điểm nhạy cảm như trong và trước Tết, nghỉ lễ 30/4, 1/5, 2/9..Khi giá nước ngoài tăng quá cao sẽ trích từ quỹ này để kiềm chế giá xăng dầu trong nước cũng tăng mạnh theo.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay khi trong năm 2019, giá dầu thô thế giới tăng mạnh. Cụ thể, ngày 23/4, giá dầu Brent đạt đỉnh 6 tháng, tăng hơn 32% so với đầu năm 2019. Giá bình quân xăng dầu thành phẩm trong tháng 4 tăng gần 8% so với tháng 3 và tăng tới 28 - 48% so với đầu năm 2019, tùy từng mặt hàng.
"Nếu không dùng quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong nước tăng rất mạnh. Giá xăng dầu hiện nay của chúng ta đã tăng ở mức thấp hơn rất nhiều so với thế giới nhờ quỹ bình ổn", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết trong thời gian tới, giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến khó lường và Liên Bộ Công thương - Tài chính sẽ điều hành giá xăng dầu theo hướng hài hòa nhất lợi ích của ba bên là người tiêu dùng - doanh nghiệp sản xuất xăng dầu - cơ quản lí nhà nước.