|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương muốn đóng dấu mật với giá điện, xăng dầu

14:00 | 26/04/2019
Chia sẻ
Trải qua 10 năm áp dụng và thực hiện, một số danh mục bí mật nhà nước ngành Công Thương đã thay đổi, cần được cập nhật thay thế cho phù hợp quy định pháp luật.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương về việc lấy ý kiến dự thảo Danh mục bí mật nhà nước ngành Công Thương.

Đáng chú ý, báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu chưa công bố; phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố được Bộ Công Thương đưa vào danh mục đóng dấu Mật.

Bộ Công Thương muốn đóng dấu mật với giá điện, xăng dầu - Ảnh 1.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng có ý kiến kiến nghị Bộ Công Thương không nên đóng dấu Mật vào phương án giá điện.

Bộ Công Thương cho biết, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước đã được Quốc hội thông qua ngày 15-11-2018 và có hiệu lực từ 1-7-2020. Triển khai luật này, Thủ tướng cũng giao trách nhiệm cho các bộ trong chủ trì xây dựng danh mục bí mật nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Ngày 19-2-2019, Thủ tướng cũng đã có quyết định ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, việc lập danh mục mới các bí mật nhà nước trong ngành Công Thương căn cứ vào Quyết định 106 về Danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật trong ngành Công Thương được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2008. Ngoài ra, Bộ Công an cũng đã ban hành Quyết định về Danh mục bí mật Nhà nước độ Mật của ngành Công Thương nhằm quy đinh về việc bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, sau 10 năm áp dụng và thực hiện, một số danh mục bí mật nhà nước ngành Công Thương đã có sự thay đổi, cần được cập nhật thay thế cho phù hợp quy định pháp luật.

Trong danh mục được đưa ra lấy ý kiến của Bộ Công Thương, cơ quan này đề xuất xếp một số danh mục khác nằm trong diện mật gồm: Phương án tổ chức bộ máy, điều động, luân chuyển, quy hoạch cán bộ, hồ sơ cán bộ lãnh đạo từ cấp Vụ và tương đương trở lên, tài liệu quy hoạch cán bộ, quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trong ngành công thương chưa công bố; hồ sơ, tài liệu, thông tin về hoạt động thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng trong ngành công thương đang trong quá trình kiểm tra, xác minh hoặc đã kết luận nhưng chưa công bố.

Cùng đó là hồ sơ, tài liệu thông tin về cá nhân, tổ chức (kể cả cá nhân, tổ chức nước ngoài) có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Công Thương đang trong quá trình thu thập, thẩm tra, xác minh, kiểm tra, xử lý chưa được công bố theo quy định pháp luật.

Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có ý kiến kiến nghị Bộ Công Thương không nên đóng dấu Mật vào phương án giá điện. Theo VCCI, hiện các phương án giá điện vẫn được coi là tài liệu mật trước khi công bố. Thông thường, việc tăng giá điện chỉ được thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá có hiệu lực. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sử đụng điện gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính. Do đó, VCCI đề nghị các phương án giá điện được công khai ít nhất 10 ngày trước khi được ban hành. Các quyết định tăng giá điện chỉ có hiệu lực sau ít nhất 15 ngày kể từ ngày ban hành.

VCCI nhấn mạnh, việc đưa phương án giá các mặt hàng Nhà nước điều hành giá vào diện thông tin mật có thể xuất phát từ lo ngại tình trạng đầu cơ, găm hàng trước mỗi lần thay đổi giá. Tuy nhiên, việc đầu cơ, găm hàng đối với mặt hàng điện gần như là điều không thể.

Trên thực tế, xăng dầu và điện là hai mặt hàng thiết yếu được Nhà nước đưa vào danh mục quản lý giá, có mức độ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người dân. Giá xăng dầu và giá điện luôn được nhà điều hành xem là “nhạy cảm”. Do vậy, các kịch bản điều hành luôn được các bộ ngành giữ kín trước khi công bố phương án chính thức.

Trà Phương