Bộ Công thương lên tiếng về việc điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ
Do đó, cho tới nay, kết quả các vụ việc điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ đối với ta không phụ thuộc vào việc Việt Nam có được Hoa Kỳ coi là nước đang phát triển hay không.
Trước việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển, Bộ Công thương đã lên tiếng về việc này.
Theo đó, ngày 10 tháng 02 năm 2020, Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) thông báo về Danh sách các thành viên của WTO được coi là đang phát triển và kém phát triển trong các vụ việc điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ.
Chia sẻ với Báo Đầu tư chứng khoán, đại diện Bộ Công thương cho biết, danh sách này chỉ được sử dụng trong phạm vi vụ việc điều tra chống trợ cấp mà không ảnh hưởng tới cách phân loại các nước của Hoa Kỳ trong các vấn đề khác, cũng như không ảnh hưởng tới cách phân loại về nước đang phát triển của WTO và các thỏa thuận liên quan tới WTO như quy chế “Tối huệ quốc”.
Định nghĩa về vấn đề “nước đang phát triển” của WTO
Tại quy định của WTO, không có một định nghĩa hoặc cách xác định chính thức nào về khái niệm nước “phát triển” và “đang phát triển”.
Thành viên khi tham gia WTO có thể “tự công nhận” mình là một nước “phát triển” hoặc “đang phát triển”. Tuy nhiên, khi một thành viên muốn được sử dụng các quyền ưu tiên liên quan tới tư cách nước đang phát triển, các thành viên khác có thể không chấp nhận điều này.
Hơn nữa, việc một nước “tự công nhận” mình là nước đang phát triển không đồng nghĩa với việc nước đó được tự động hưởng các ưu đãi dành cho nước đang phát triển được các nước phát triển đưa ra, điển hình như những ưu đãi của Hệ thống Hài hòa Thuế quan (GSP).
Trên thực tế, chính những nước phát triển đưa ra ưu đãi này mới là người quyết đinh danh sách các nước đang phát triển được hưởng ưu đãi nói trên.
Quy định của WTO về ưu đãi cho các nước đang phát triển trong vụ việc điều tra chống trợ cấp
Theo quy định của WTO, một vụ việc điều tra chống trợ cấp sẽ được chấm dứt mà không áp dụng biện pháp nếu đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
- Biên độ trợ cấp tối thiểu: Biên độ trợ cấp dưới 1% tổng trị giá nhập khẩu.
- Lượng nhập khẩu không đáng kể: lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ một nước ít hơn 3% tổng lượng nhập khẩu và tổng lượng nhập khẩu từ các nước nói trên ít hơn 7% tổng lượng nhập khẩu.
Ngoài ra theo WTO, các nước đang phát triển và kém phát triển trong vụ việc chống trợ cấp cũng được hưởng ưu đãi (không bị áp thuế chống trợ cấp) như sau:
- Biên độ trợ cấp tối thiểu: Biên độ trợ cấp dưới 2% tổng trị giá nhập khẩu.
- Lượng nhập khẩu không đáng kể: Lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ một nước ít hơn 4% tổng lượng nhập khẩu và tổng lượng nhập khẩu cộng gộp của các nước nói trên ít hơn 9% tổng lượng nhập khẩu.
Các tiêu chí của Hoa Kỳ để đánh giá nước đang phát triển
Theo đại diện Bộ Công thương, USTR đưa ra 3 tiêu chí để xem xét một nước có thuộc danh sách các nước đang phát triển hay không, đó là: tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người; thị phần trong tổng thương mại thế giới, và các yếu tố khác.
Theo đó, thu nhập bình quân đầu người hàng năm (GNI): USTR xem xét các nước có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 12.375 USD/năm đủ tiêu chuẩn thuộc danh sách các nước đang phát triển dựa trên tiêu chí phân loại của WB về nước có thu nhập bình quân đầu người cao và thấp.
Thị phần trong tổng thương mại thế giới: Để được xem là nước đang phát triển, thị phần của một nước phải thấp hơn 0,5% tổng thương mại thế giới.
Các yếu tố khác: Theo USTR, các nước có tư cách thành viên của các tổ chức như G20, Liên minh châu Âu EU, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hoặc đã nộp đơn đăng ký thành viên của OECD đều không thuộc danh sách các nước đang phát triển.
Những thay đổi của phía Hoa Kỳ và tác động tới Việt Nam
Trước đây, Hoa Kỳ sử dụng ngưỡng 2% để xác định mức “thị phần đáng kể trong thương mại thế giới”. Sau khi cập nhật dữ liệu năm 2018, Hoa Kỳ giảm ngưỡng tính toán xuống mức 0,5%.
Theo USTR, Việt Nam, Brasil, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… đều không thỏa mãn tiêu chí Thị phần trong thương mại thế giới nên không được phân loại vào danh sách các nước đang phát triển được hưởng ưu đãi đặc biệt khi bị điều tra chống trợ cấp.
Theo dữ liệu từ WTO, tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2018 lần lượt đạt 242,64 tỷ USD và 235,51 tỷ USD, tương ứng với 1,248% và 1,185% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên thị trường thương mại thế giới.
Tác động tới Việt Nam
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Bộ Công thương cho biết, tính đến nay, Hoa Kỳ đã điều tra 7 vụ việc chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Trong các vụ việc chống trợ cấp nói trên, có 5 vụ việc đã áp thuế và 2 vụ việc đã chấm dứt mà không áp dụng biện pháp chống trợ cấp do không chứng minh được thiệt hại trong nước.
Theo vị đại diện này, trong tất cả các vụ việc điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ khởi xướng với Việt Nam từ trước tới nay, Hoa Kỳ đều kết luận biên độ trợ cấp và lượng xuất khẩu của Việt Nam cao hơn ngưỡng biên độ trợ cấp tối thiểu và lượng nhập khẩu không đáng kể. Do đó, cho tới nay, kết quả các vụ việc điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ đối với ta không phụ thuộc vào việc Việt Nam có được Hoa Kỳ coi là nước đang phát triển hay không.
Về phía Việt Nam, liên quan tới vấn đề nước đang phát triển, các cơ quan chức năng của ta đã trao đổi với Hoa Kỳ trong các khuôn khổ khác nhau trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên.
Danh sách các nước đang phát triển, kém phát triển theo thông báo của USTR:
Danh sách các nước kém phát triển (44 nước):
Afghanistan | Djibouti | Madagascar | Rwanda |
Angola | Gambia | Malawi | Senegal |
Bangladesh | Ghana | Mali | Sierra Leone |
Benin | Guinea | Mauritania | Solomon Islands |
Burkina Faso | Guinea-Bissau | Mozambique | Tanzania |
Burundi | Haiti | Myanmar | Togo |
Cambodia | Honduras | Nepal | Uganda |
Central African Republic | Kenya | Nicaragua | Vanuatu |
Chad | Lao People's Democratic Republic | Niger | Yemen |
Côte d'Ivoire | Lesotho | Nigeria | Zambia |
Democratic Republic of the Congo | Liberia | Pakistan | Zimbabwe |
Danh sách các nước đang phát triển (36 nước):
Bolivia | El Salvador | Maldives | St. Lucia |
Botswana | Eswatini | Mauritius | St. Vincent & Grenadines |
Cabo Verde | Fiji | Mongolia | Samoa |
Cameroon | Gabón | Morocco | Sri Lanka |
Cuba | Grenada | Namibia | Suriname |
Dominica | Guatemala | Papua New Guinea | Tajikistan |
Dominican Republic | Guyana | Paraguay | Tonga |
Ecuador | Jamaica | Peru | Tunisia |
Egypt | Jordan | Philippines | Venezuela |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/