Bộ Công Thương lên kế hoạch giảm giá điện: Dự kiến ghép hai bậc đầu tiên của biểu giá điện làm một
Tại buổi tọa đàm trực tuyến về giá điện, tiền điện do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 5/5, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) đã chia sẻ kế hoạch điều chỉnh giá điện trong thời gian tới.
Ông cho biết từ lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất vào ngày 22/3/2019, đến nay chưa có sự điều chỉnh giá điện. Biểu giá điện hiện tại đang tính theo bậc thang với 6 bậc từ 0 - 700 kWh.
Trên cơ sở khảo sát thực tế nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng, Bộ Công thương cũng đã xây dựng phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, dự kiến ghép hai bậc đầu tiên làm một, áp dụng bậc 1 từ 0 - 100 kWh thay vì 50 kWh như hiện nay. Như vậy tổng số sẽ còn lại 5 bậc và bậc cao nhất nâng từ 401 kWh lên 700 kWh.
"Thống kê cho thấy trung bình 1 hộ tiêu thụ trên 180 kWh/tháng. Hiện có khoảng 86% gia đình sử dụng dưới 300 kWh/tháng. Như vậy, ghép 2 bậc đầu tiên là phù hợp với sinh hoạt của nhiều người dân.
Đồng thời, chúng tôi cũng đang nghiên cứu việc thực hiện kiểm tra lại thực tế sử dụng điện của người dân theo định kì hàng năm để điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cho phù hợp", ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Ngoài ra trước thắc mắc của người dân vì sao lại tính giá điện theo bậc thang và cách tính này đến nay có còn phù hợp hay không, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết hiện khoảng 60 - 70% sản lượng điện mà người dân sử dụng được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo. Việc áp dụng biểu giá điện bậc thang sẽ khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Vấn đề là làm sao thiết kế biểu giá bậc thang phù hợp nhất với mức sinh hoạt của người dân và thuận lợi cho họ khi kiểm tra và xác định tiền sử dụng điện để điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp nhất.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tổng công ty điện lực TP HCM (EVN TP HCM) cho biết hiện có 14,3% số hộ dân sử dụng dưới 50 kWh/tháng và 70,56% số hộ sử dụng dưới 200 kWh/tháng.
“Bình quân sử dụng điện từ năm 2018 chỉ là 179 kWh/tháng nhưng đến 2019 số tiêu thụ trung bình tăng lên 185 kWh/hộ. Trong 1 năm đã tăng lên 11 số điện và đây là con số rất lớn. Vì vậy, cần thiết áp dụng biểu giá điện bậc thang để khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn”, ông Dũng nói.
Vì sao tiền điện tháng 4 tăng vọt?
Tại buổi tọa đàm, trước những bức xúc và thắc mắc việc hóa đơn tiền điện tăng vọt một cách bất thường trong tháng 4, ông Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt - lạnh (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng trong các tháng gồm 4, 5, 6, trên cả nước, đặc biệt là TP HCM vào cao điểm nắng nóng, Hà Nội cũng bước vào mùa hè.
Khi nhiệt độ ngoài trời tăng, chúng ta sẽ sử dụng quạt máy, điều hòa, là các thiết bị tiêu thụ điện rất lớn, nhiều hơn. Theo quan sát của ngành điện, tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28 - 64% lượng điện của một hộ, cá biệt có hộ lên tới 80%.
Tháng 4 cũng là tháng giãn cách xã hội, hầu hết mọi người ở nhà nên sử dụng điều hòa hoặc quạt máy nhiều hơn, khiến điện năng tiêu thụ tăng theo.
Đồng quan điểm ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực miền Nam, cho hay: “Qua theo dõi, chúng tôi thấy sản lượng điện sinh hoạt của hộ gia đình cao hơn tháng 3 khoảng 11%. Cộng thêm tháng 4 tăng cao do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cha mẹ ở nhà làm việc từ xa, con cái không đi học nên ở nhà, tất cả làm tăng sản lượng điện tiêu thụ. Tất cả yếu tố đó cộng lại khiến mức chênh lệch cao hơn”.
Ngoài ra liên quan đến câu hỏi về việc công tơ điện có chạy chính xác hay không, ông Lý cho biết tổng công ty cũng đã có phúc tra, kiểm định công tơ dưới sự giám sát của cơ quan quản lí nhà nước trên địa bàn, kiểm định lại công tơ và kết quả cho thấy 99,99% là công tơ chạy chính xác.
Nguyên nhân các công tơ điện tử khi được sử dụng phải được đăng kí kiểm định mẫu theo đúng qui trình của Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam và hàng năm tổng công ty đều phải chịu kiểm tra từ các đơn vị đo lường tại các tỉnh thành.