Bộ Công Thương: 'Hàng rào' cho ngành ô tô để bảo vệ người dùng và môi trường
Cần thiết lập "hàng rào" cho ngành ô tô để bảo vệ người dùng và môi trường. (Ảnh minh hoạ). |
Liên quan tới Dự thảo Nghị định Quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô, Bộ Công Thương cho biết, theo quy định hiện hành của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ô tô thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2), có khả năng gây ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng, hạ tầng giao thông cũng như môi trường.
Bên cạnh đó, là sản phẩm công nghệ cao, có cấu trúc phức tạp, vì vậy, sản phẩm ô tô khi đưa vào lưu thông cần phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng.
Điều kiện nhằm bảo vệ người tiêu dùng và môi trường
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm đến cùng với sản phẩm do doanh nghiệp đưa vào lưu thông trên thị trường, từ khâu hình thành sản phẩm (sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu), vận hành sản phẩm (bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi ô tô trong trường hợp ô tô phát sinh các lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất) đến khâu thải bỏ sản phẩm (thu hồi thải bỏ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường).
"Xuất phát từ mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ môi trường, cần thiết phải ban hành các điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô", Bộ Công Thương cho biết.
Bộ Công Thương cũng cho biết, vì lí do trên, ngày 22/11/2016, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, trong đó quy định sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô là các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và do đó Chính phủ cần ban hành Nghị định để quy định chi tiết các điều kiện kinh doanh này.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Đầu tư, việc ban hành các điều kiện kinh doanh chỉ nhằm các mục đích bảo đảm các lý do về an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Vì lý do đó, các điều kiện kinh doanh tại Nghị định được quy định bám sát với các yêu cầu của luật đầu tư, với tinh thần tôn trọng sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô, không phân biệt giữa các doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện kinh doanh tại Nghị định vì mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sẽ được hoạt động sản xuất, lắp ráp và kinh doanh nhập khẩu ô tô.
Cụ thể, Dự thảo Nghị định đưa ra các điều kiện tối thiểu cần phải có để các doanh nghiệp bảo đảm trách nhiệm sản phẩm, trách nhiệm đối với an toàn của người tiêu dùng trong quá trình sử dụng sản phẩm cũng như trách nhiệm đối với môi trường.
Cụ thể là các yêu cầu nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô, cũng như bảo hành, bảo dưỡng đáp ứng đúng các yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm trong quá trình người tiêu dùng sử dụng, vận hành ô tô, trách nhiệm triệu hồi trong trường hợp ô tô có lỗi kỹ thuật trong quá trình thiết kế, chế tạo có thể gây rủi ro trong quá trình vận hành và trách nhiệm thu hồi ô tô thải bỏ nhằm bảo vệ môi trường.
"Mục tiêu quan trọng để khuyến khích sản xuất trong nước"
Bên cạnh mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương cũng cho biết, theo nhiều ý kiến, một trong những mục tiêu quan trọng cần được hướng tới trong việc xây dựng Nghị định là vấn đề khuyến khích sản xuất trong nước.
Theo Bộ này, điều quan trọng nhất là Nghị định sẽ tạo ra một khung pháp lý ổn định và bền vững, thống nhất để các doanh nghiệp áp dụng, đồng thời tạo ra một môi trường cạnh tranh minh bạch và lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau, hạn chế tình trạng làm ăn chộp giật và các gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh ô tô.
Từ đó khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước – đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh dài hạn, bài bản và có trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm và với người tiêu dùng - có kế hoạch đầu tư dài hạn, gia tăng sản lượng tiến tới mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa hướng tới xuất khẩu trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
Bộ Công Thương cũng khẳng định, các quy định về điều kiện kinh doanh này không nhằm mục đích phân biệt đối với các kiểu loại hay các dòng xe.
Về mặt kỹ thuật, so với ô tô sử dụng nhiên liệu xăng thông thường, ô tô điện chỉ có đặc thù riêng về động cơ và pin. Các đặc thù này hoàn toàn không gặp phải bất kỳ trở ngại nào trong các quy định về điều kiện kinh doanh tại Nghị định. Cụ thể, các quy định về cơ sở vật chất và các dây chuyền kỹ thuật trong sản xuất, lắp ráp ô tô chỉ là các yêu cầu kỹ thuật chung và tối thiểu cần phải có nhằm đảm bảo quá trình chế tạo và bảo đảm chất lượng sản phẩm, không có các yêu cầu chi tiết và đặc thù. Vì vậy, việc cho rằng các điều kiện kinh doanh này sẽ hạn chế dòng ô tô điện là không có căn cứ.
"Sau khi đăng tải Dự thảo Nghị định lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ và lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng… Bộ Công Thương đã có tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định này", Bộ Công Thương cho biết thêm.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/