|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương đề xuất để các doanh nghiệp tự đàm phán về mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu

20:05 | 07/01/2023
Chia sẻ
Bộ Công Thương đề xuất không quy định cụ thể mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu để doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhau cho phù hợp và linh hoạt với biến động cung cầu của thị trường trong từng giai đoạn.

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định về kinh doanh xăng dầu vừa gửi đi lấy ý kiến các cơ quan, Bộ Công Thương đề xuất hai phương án về mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu.

Phương án 1: Không quy định cụ thể mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu để doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhau cho phù hợp và linh hoạt với biến động cung cầu của thị trường trong từng giai đoạn.

Ưu điểm của phương án này là đảm bảo sự chủ động giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, không làm tăng giá cơ sở mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nhược điểm là khi kinh doanh gặp khó khăn, các đại lý sẽ tiếp tục kiến nghị về quyền lợi của họ bất chấp việc các đơn vị cấp hàng đang bị lỗ. 

Phương án 2: Quy định mức chiết khấu cố định hoặc tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu. 

Theo Bộ Công Thương Thương phương án này sẽ đảm bảo lợi ích và được sự ủng hộ của các đại lý bán lẻ xăng dầu, là căn cứ để các đại lý yêu cầu các đơn vị cấp hàng duy trì chiết khấu cho khâu bán lẻ. 

Đổi lại, để hài hoà lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, phải đưa mức chiết khấu cho từng khâu của hệ thống phân phối sẽ tạo ra sự cứng nhắc trong việc mua bán giữa các doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, để bảo đảm giá cơ sở mặt hàng xăng dầu phản ánh đủ các chi phí phát sinh cần đưa mức chiết khấu cố định hoặc tối thiểu này vào cơ cấu giá cơ sở. Việc này làm tăng giá xăng dầu, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. 

Khi hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn, không có sự chia sẻ giữa các khâu trong hệ thống. Các khó khăn sẽ được dồn hết đến doanh nghiệp đầu mối kinh doanh và do đó ảnh hưởng đến tổng thể nguồn cung trong nước.

Với hai phương án này Bộ Công Thương lựa chọn phương án 1 với lý do là đảm bảo hải hoà lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu xăng dầu trên thị trường trong từng thời điểm, có sự chia sẻ khó khăn giữa các đại lý và đơn vị cung cấp xăng dầu. 

Trường hợp nhằm đảm bảo lợi ích của các cửa hàng bán lẻ, khi ký kết hợp đồng, các đại lý cần đưa ra các điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng.

H.Mĩ