Bộ Công Thương: Ấn Độ nới lệnh hạn chế xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng không quá đáng ngại
Trả lời người viết tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương liên quan đến vấn đề Ấn Độ nới lỏng biện pháp xuất khẩu gạo ảnh hưởng thế nào đến gạo Việt Nam, Cục Phó Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho biết động thái này đang được Bộ Công Thương và doanh nghiệp theo dõi sát sao và đã được dự báo trước.
Tính đến nay, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng 2024, Việt Nam xuất khẩu được 6,9 triệu tấn, thu về 4,3 tỷ USD tăng 8,4% về lượng, tăng 23% về kim ngạch so với cùng kỷ năm ngoái.
Ông Hải cho biết: “Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá sản phẩm, đồng thời tập trung vào các loại gạo đặc sản, gạo thơm. Điều này sẽ tránh được việc ‘đụng hàng’ với gạo Ấn Độ. Nhìn chung, Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi việc Ấn Độ nới lỏng xuất khẩu gạo nhưng với chiến lược này, chúng ta vẫn có thể duy trì tốc độ xuất khẩu gạo trong thời gian tới”.
Bổ sung thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết ngoài việc đa dạng hoá sản phẩm, các doanh nghiệp cần tăng cường xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Điều này giúp Việt Nam cạnh tranh sòng phảng trên trường quốc tế.
“Việc Ấn Độ nới bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo có tác động đến Việt Nam nhưng không phải quá e ngại ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Hôm 23/10, Ấn Độ tuyên bố bãi bỏ thuế xuất khẩu gạo đồ, sau khi lượng tồn kho gạo tại quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới tăng cao và vụ mùa mới được dự báo bội thu nhờ lượng mưa dồi dào, theo Reuters.
Tháng trước, Ấn Độ đã giảm thuế xuất khẩu từ 20% xuống còn 10% nhằm thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời khôi phục lại việc xuất khẩu gạo trắng thường (không phải Basmati). Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ cũng đã đặt mức giá sàn cho gạo trắng thường là 490 USD/tấn.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã bãi bỏ thuế 10% đối với gạo lứt và thóc.
Các quan chức thương mại và công nghiệp cho biết, với dự báo sản lượng gạo tăng, Ấn Độ có thể sẽ xem xét dỡ bỏ mức giá sàn cho xuất khẩu gạo trắng thường.
Theo các quan chức địa phương, Ấn Độ gia tăng xuất khẩu gạo có thể làm tăng nguồn cung trên thị trường quốc tế và kéo giá gạo xuống, buộc các nước xuất khẩu lớn khác như Pakistan, Thái Lan và Việt Nam phải giảm giá để cạnh tranh.
Ông Dev Garg, Phó Chủ tịch Liên đoàn Xuất khẩu Gạo Ấn Độ, nhận định rằng quyết định dỡ bỏ thuế xuất khẩu gạo đồ cho thấy chính phủ tin tưởng vào vụ mùa sắp tới.
Xuất khẩu gạo đồ của Ấn Độ đã giảm 13%, chỉ còn 5,1 triệu tấn trong tám tháng đầu năm 2024.
Ông B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Ấn Độ, cho biết việc bãi bỏ thuế xuất khẩu sẽ khuyến khích các nước châu Phi - vốn nhạy cảm với giá cả - gia tăng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ.
Năm 2023, khi hiện tượng thời tiết El Nino làm dấy lên lo ngại về việc mùa mưa có thể kém hiệu quả, Ấn Độ đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo và kéo dài các biện pháp này sang năm 2024 nhằm kiềm chế giá gạo trong nước trước cuộc bầu cử toàn quốc diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6