|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bloomberg: Mỹ đã 'bật đèn xanh' cho bay thẳng từ Việt Nam, nhưng bay khó có lãi

12:29 | 15/02/2019
Chia sẻ
Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã cấp Chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) cho Việt Nam, qua đó cho phép các hãng hàng không Việt Nam bay thẳng tới Mỹ.

Trong một thông cáo mới đây, FAA cho biết đơn vị này đã chính thức trao Chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) cho Việt Nam, đồng nghĩa với việc các nhà thẩm định của Mỹ nhận thấy Việt Nam đã tuân thủ các quy chuẩn của Liên Hợp quốc về cấp phép cho phi công và giám sát hoạt động và an toàn của các hãng hàng không.

“Quyết định cấp chứng nhận CAT 1 hôm nay được đưa ra dựa trên một cuộc đánh giá do FAA thực hiện vào tháng 8/2018 đối với tiêu chí giám sát an toàn mà Cục Hàng không Việt Nam đưa ra”, FAA cho biết trong thông cáo.

Trả lời phỏng vấn Báo Giao thông mới đây, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết: “CAT1 là chuẩn giám sát an toàn hàng không được phê chuẩn bởi chương trình Đánh giá an toàn hàng không quốc tế của FAA, dựa trên 8 tiêu chuẩn an toàn trọng yếu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Một quốc gia nếu có nhu cầu thiết lập đường bay thương mại vào Mỹ phải đạt chuẩn an toàn CAT1.”

Tham vọng bay Mỹ của các "cánh chim" Việt

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã có kế hoạch bay tới bờ Tây nước Mỹ từ nhiều năm nay do đây là khu vực có nhiều người Mỹ gốc Việt sinh sống. Hồi tháng 5 năm ngoái, CEO Dương Trí Thành cho biết hãng hiện đang xem xét đường bay đầu tiên là tuyến TP Hồ Chí Minh – San Francisco.

Trước đó, Vietnam Airlines từng lên kế hoạch trong giai đoạn 2016-2020 sẽ mở đường bay thẳng đến bờ Tây nước Mỹ với hai địa điểm được cân nhắc là San Francisco và Los Angeles.

Đến nay Vietnam Airlines đã đưa vào vận hành hai dòng máy bay đường dài hiện đại Airbus A350-900 XWB và Boeing 787-9 Dreamliner nhưng kế hoạch này vẫn chưa thực hiện được. Ngoài lí do về thủ tục còn có bài toán kinh tế.

bloomberg my da bat den xanh cho bay thang tu viet nam nhung bay kho co lai
Chiếc tàu bay thân rộng A350-900 thứ 8 của Vietnam Airlines về đến sân bay Nội Bài chiều 20/8/2017. Ảnh: Báo Giao thông.

Tháng 1 năm nay, trả lời phỏng vấn báo giới, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết: “Khi mở đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ sẽ phải mất 5 năm mới hòa được vốn và khả năng lỗ ước khoảng 30 triệu USD/năm”. Như vậy, mức lỗ trong 5 năm sẽ là khoảng 150 triệu USD, tức hơn 3.300 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu thấp mà cạnh tranh lại cao.

Tháng 6/2018, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho biết Bamboo Airways (hãng hàng không thuộc sở hữu của FLC) bày tỏ tham vọng bay thẳng tới Mỹ và cố gắng có lãi ngay sau khi bay. Thời điểm đó Bamboo Airways vẫn chưa được cấp Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không.

Sau khi cất cánh bay thương mại chính thức ngày 16/1 vừa qua, Tổng Giám đốc Bamboo Airways Đặng Tất Thắng một lần nữa khẳng định: "Năm 2020, Bamboo Airways chắc chắn sẽ có đường bay thẳng tới Mỹ" đồng thời cho biết Bamboo Airways vừa được cấp AOC (Giấy chứng nhận Người khai thác tàu bay) theo tiêu chuẩn của FAA của Mỹ và có thể tiếp tục đạt được chứng chỉ an toàn IOSA trong năm nay.

Tập đoàn FLC đã đặt mua 20 tàu bay thân rộng Boeing B787-9 Dreamliners tổng giá trị niêm yết 5,6 tỉ USD để phục vụ hoạt động của Bamboo Airways. Dự kiến những chiếc này sẽ bàn giao trong giai đoạn tháng 4/2020 đến hết năm 2021.

Chia sẻ với phóng viên trong ngày cất cánh 16/1, ông Trịnh Văn Quyết cho biết trong khi chờ được bàn giao các tàu bay mua, FLC cũng đang đàm phán thuê một số tàu bay thân rộng, dự kiến sẽ nhận các tàu thuê này vào quí II năm nay, sau đó hãng sẽ tiếp tục tính việc mở đường bay sang Mỹ.

bloomberg my da bat den xanh cho bay thang tu viet nam nhung bay kho co lai
Đội ngũ phi công và tiếp viên của Bamboo Airways bên cạnh chiếc A321NEO hãng mới nhận ngày 16/1. Ảnh: Song Ngọc.

Bay thẳng tới Mỹ - Một biểu tượng cao quý

Cục trưởng Đinh Việt Thắng trả lời Báo Giao thông cho biết: Việc được cấp CAT 1 là khẳng định sự công nhận của quốc tế. Việt Nam đã hội nhập thành công và đáp ứng đầy đủ yêu cầu của quốc tế, khẳng định vị thế, uy tín không chỉ của ngành Hàng không Việt Nam mà của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Giờ đây, hãng hàng không Việt Nam không chỉ có thể xin cấp phép bay tới Mỹ mà còn có thể liên danh với các hãng hàng không khác để chia sẻ khách hàng với nhau trên tuyến bay này.

Đường bay thẳng Việt – Mỹ có thể sẽ là một công cụ quảng bá hình ảnh tuyệt vời cho ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên tờ Bloomberg nhận định, Vietnam Airlines hay bất kì một hãng hàng không nào khác của Việt Nam nhiều khả năng sẽ lỗ nếu thực hiện đường bay thẳng giữa hai nước do cạnh tranh quá gay gắt.

Ông Brendan Sobie, một chuyên gia phân tích tại Singapore của Trung tâm Hàng không Châu Á – Thái Bình Dương (CAPA) nói: “Có đường bay thẳng đến Mỹ là một điều mang tính biểu tượng rất cao quý. Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động này. Tuy nhiên để tạo ra lợi nhuận trên đường bay Việt - Mỹ rất khó. Đây như là một giấy phép bay để mất tiền vậy”.

Dẫu vậy, việc đạt được cấp CAT 1 là một dấu hiệu cho thấy thị trường hàng không Việt Nam đang trưởng thành. Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 7% và do vậy giúp người dân có thêm thu nhập khả dụng cho di chuyển bằng đường hàng không. Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của Cục hàng không Việt Nam cho thấy năm 2018, các sân bay Việt Nam phục vụ khoảng 106 triệu hành khách, tăng trưởng 13% so với năm 2017. Trong năm này, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển hơn 50 triệu lượt hành khách, tăng 14% so với năm 2017.

Xem thêm

Song Ngọc