|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: 'Kinh tế Mỹ bật dậy, tăng trưởng của Việt Nam cũng được nâng đỡ'

18:36 | 13/04/2021
Chia sẻ
Nền kinh tế Mỹ đang hồi phục mạnh mẽ nhờ vào các đợt kích thích kinh tế hàng nghìn tỷ USD và nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén dần được giải tỏa. Các nhà xuất khẩu châu Á cũng nhờ vậy mà hưởng lợi, trong đó Việt Nam được "hái quả" nhiều nhất.
Bloomberg: 'Kinh tế Mỹ bật dậy, tăng trưởng của Việt Nam cũng được nâng đỡ' - Ảnh 1.

Tượng con trâu mừng xuân Tân Sửu 2021 tại Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Năm 2020, GDP của Mỹ suy giảm 3,5%. Theo phân tích của Bloomberg Economics, nếu năm 2021 nền kinh tế Mỹ bật tăng 7,7% thì tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng được thêm 1 điểm % (ví dụ từ 5% lên 6%). Trung Quốc cũng được dự báo sẽ có thêm 0,6 điểm % tăng trưởng.

Bà Chang Shu - Kinh tế trưởng về khu vực châu Á của Bloomberg Economics nhận định: "Triển vọng tăng trưởng khả quan của Mỹ là tin tốt cho các nhà xuất khẩu châu Á". Các quốc gia phương Đông sẽ không chỉ được lợi từ sự tăng lên trong nhu cầu trực tiếp mà còn từ các hiệu ứng lan tỏa gián tiếp vì các doanh nghiệp châu Á là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng đến Mỹ.

Bà Shu cũng chỉ ra rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới mua trung bình 10% tổng lượng xuất khẩu của châu Á.

Dự báo của Bloomberg Economics đã tính đến tác động của 1.700 tỷ USD tiền tiết kiệm dư thừa của người tiêu dùng Mỹ cũng như hiệu ứng của cải đến từ việc giá tài sản tăng lên. Theo lý thuyết kinh tế, khi giá các loại tài sản như nhà ở, cổ phiếu gia tăng, người dân sẽ cảm thấy mình giàu có hơn và sẽ chi tiêu nhiều hơn.

Dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 7,7% mà Bloomberg Economics vừa đưa ra cao hơn hẳn con số 5,8% hôm 8/4 và 3,8% hồi tháng 11/2020.

Chuyên gia Chang Shu cho rằng việc dự báo tăng trưởng của Mỹ được nâng lên như vừa nói ở trên có thể giúp các nền kinh tế châu Á có thêm 0,14 - 0,52 điểm % tăng trưởng GDP. Trong đó, kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng có thêm 0,3 điểm %.

Nhân tố quan trọng để xác định mức độ tác động của kinh tế Mỹ tới châu Á là các cấu phần của hoạt động chi tiêu.

"Nếu người Mỹ chi cho dịch vụ càng nhiều thì tác động lan tỏa tới các nhà xuất khẩu châu Á sẽ càng thấp", bà Shu viết trong báo cáo. Nếu Mỹ chi nhiều cho hàng hóa thì châu Á sẽ được lợi lớn hơn.

Nửa sau năm 2020, hoạt động tiêu dùng hàng hóa tại Mỹ đã tăng sốc nhưng chi tiêu cho dịch vụ lại giảm đi. Tuy nhiên, quá trình tiêm chủng vắc xin và mở cửa nền kinh tế cho phép người dân đi lại nhiều hơn và do vậy tiêu dùng dịch vụ có thể sẽ cải thiện trong thời gian tới, Bloomberg Economics nhận xét.

Đầu tháng 3 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành gói kích thích tài khóa trị giá 1.900 tỷ USD, trong đó có điều khoản phát cho mỗi người dân 1.400 USD tiền mặt để tùy ý chi tiêu. Cộng thêm cả những đợt hỗ trợ trước, sức mua của người dân Mỹ hiện nay là không hề nhỏ.

Song Ngọc