|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: Đe dọa Mỹ không thành, ông Kim Jong-un thừa nhận nỗ lực đàm phán với Washington đã thất bại

22:00 | 03/01/2020
Chia sẻ
Bloomberg nhận định nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã từ bỏ hi vọng rằng Tổng thống Donald Trump sẽ sớm dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Triều Tiên thừa nhận hi vọng Mỹ tháo gỡ lệnh trừng phạt không thành

Ngoài lời đe dọa thử bom hạt nhân trở lại hồi đầu tuần này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un còn thừa nhận một sự thật lớn rằng nỗ lực thu hút sự chú ý của Mỹ đối với Bình Nhưỡng đã thất bại.

Theo Bloomberg, kế hoạch lúc này của lãnh tụ Kim Jong-un là tìm ra cách tồn tại dưới lệnh trừng phạt kinh tế ngặt nghèo của Mỹ trong khi xây dựng một biện pháp răn đe bằng hạt nhân đủ mạnh để buộc Washington phải thỏa hiệp.

"Chúng tôi không bao giờ có thể bán rẻ nhân phẩm, thứ mà chúng tôi đã bảo vệ như một thứ có giá trị như chính cuộc sống của mình với hi vọng về một sự thay đổi tuyệt vời", Bloomberg dẫn lời ông Kim Jong-un cho hay.

"Tranh chấp Mỹ - Triều tồn tại qua nhiều thế hệ, giờ bị dồn nén lại thành một bế tắc rõ ràng giữa tinh thần tự lực cánh sinh của Bình Nhưỡng và lệnh trừng phạt của Washington", ông Kim nhấn mạnh.

Khi nhà lãnh đạo Triều Tiên đổ lỗi tình trạng bế tắc trên cho hành động mà họ cho là phản bội của nước Mỹ, bình luận của ông còn là một sự thừa nhận ngầm rằng quyết định tháo dỡ chương trình hạt nhân để Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt không thành công.

Triều Tiên vẫn chịu lệnh phong tỏa như năm 2018, thời điểm ông Kim tuyên bố ưu tiên phát triển kinh tế thay vì vũ khí, tạm dừng các vụ thử tên lửa và tổ chức cuộc họp đầu tiên trong bộ ba cuộc gặp chưa từng có với Tổng thống Trump.

Bloomberg: Đe dọa Mỹ không thành, ông Kim Jong-un đành thừa nhận nỗ lực đàm phán với Washington đã thất bại - Ảnh 1.

Quan hệ Mỹ - Triều xấu đi kể từ khi hai nhà lãnh đạo gặp mặt tại Hà Nội mà không đạt được bước tiến nào. (Ảnh: Getty Images)

Mặc dù mối quan hệ mới được nhen nhóm trở lại của Triều Tiên với các đồng minh cũ như Trung Quốc và Nga đã đem lại một số hứa hẹn về nguồn lợi du lịch, viện trợ thực phẩm và hỗ trợ ngoại giao, ông Kim Jong-un cũng không thể thoát khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ, Hàn Quốc và Liên Hợp Quốc mà không có sự giúp đỡ của Washington.

"Rõ ràng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã từ chối đề xuất tạo ra một tương lai tươi sáng cho nền kinh tế Triều Tiên mà phía Mỹ đưa ra", ông Shin Bum-chul, nhà nghiên cứu quan hệ liên Triều tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, lí giải.

"Thay vào đó, Triều Tiên được cho là đang phấn đấu để tạo ra tăng trưởng kinh tế độc lập, làm nền tảng để nước này trở thành một quốc gia hạt nhân hợp pháp", ông Shin nói thêm.

Vũ khí mới của Bình Nhưỡng

Lời đe dọa có hành động gây sốc với Mỹ trong dịp lễ Giáng sinh vừa qua của ông Kim Jong-un cũng có thể gây rủi ro cho mối quan hệ ngoại giao mà ông đạt được với các nước.

Ngoài khiêu khích ông Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể chọc giận Chủ tịch Tập Cận Bình nếu ông đe dọa phát động cuộc chiến mới trên Bán đảo Triều Tiên hoặc tiến hành thử nghiệm hạt nhân khiến phóng xạ lan ra khỏi biên giới.

Ông Kim bắt đầu gây leo thang căng thẳng kể từ khi Tổng thống Trump rời khỏi hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội hồi tháng 2/2019 mà không có thỏa thuận nào. Kể từ đó, Triều Tiên đã thực hiện hàng loạt vụ thử tên lửa đạn đạo.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un hứa hẹn sẽ sớm công bố một vũ khí chiến lược mới mà các chuyên gia ủng hộ không phổ biến hạt nhân nhận định đây có thể là bất cứ vũ khí nào từ tàu ngầm trang bị hạt nhân đến tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tiên tiến hơn.

Mặc dù các lệnh trừng phạt đã đẩy nền kinh tế Triều Tiên vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau nạn đói lịch sử những năm 1990, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.

Bloomberg dẫn lời một cựu quan chức Liên Hợp Quốc cho hay ông Kim có thể tin rằng ông đã tìm thấy đủ lỗ hổng trong hệ thống lệnh trừng phạt để đẩy mạnh đàm phán với Mỹ.

Khả Nhân

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.