Blackpink, các tập đoàn Hàn Quốc và kinh tế Việt Nam
Khi nhóm nhạc Blackpink đến Hà Nội vào cuối tuần này, các ngôi sao sẽ lái xe qua các showroom của Hyundai, văn phòng của CJ Group và tất cả các thương hiệu Hàn Quốc khác được quảng cáo trên khắp các con phố Hà Nội.
Tại Việt Nam, ảnh hưởng của làn sóng Hàn Quốc đang mở rộng sang các lĩnh vực từ giải trí, kinh doanh, thời trang lẫn bóng đá, theo Nikkei Asia. Mối quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng sâu sắc.
Hàng năm, Hàn Quốc thường là nhà đầu tư lớn nhất hoặc thứ hai tại Việt Nam trong vòng một thập kỷ qua. Người Việt sinh sống ở các thị trấn Hàn Quốc trong khi người Hàn cũng ngày càng hiện diện nhiều tại TP HCM, cũng như các địa phương khác trên khắp đất nước.
Các lãnh đạo Việt Nam thường lấy Hàn Quốc như một dẫn chứng về “con hổ kinh tế” châu Á khi cố gắng đưa nền công nghiệp nước nhà lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp Hàn Quốc, từ tập đoàn điện tử Samsung tới nhà cung cấp hàng may mặc Hae Sung.
Ông Choi Bundo, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc khu vực miền Nam và miền Trung Việt Nam, nói rằng các thoả thuận về thuế và thương mại đã giúp hai nước nuôi dưỡng mối quan hệ kinh tế.
“Sự hài lòng với lực lượng lao động chất lượng cao của Việt Nam và kỳ vọng nước này sẽ đóng vai trò thay thế Trung Quốc, do mối quan hệ không ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng là những lý do quan trọng khiến các công ty Hàn Quốc chọn Việt Nam”, ông Choi nói.
Ông cho biết thêm, hai nước cũng có nhiều điểm chung. "Việt Nam và Hàn Quốc cùng chung một nền văn hóa Nho giáo. Đặc biệt, Việt Nam rất thích văn hóa Hàn Quốc như K-pop và phim truyền hình”.
Trong khi sản xuất từ lâu là cầu nối giữa Việt Nam và Hàn Quốc, thì làn sóng văn hoá Hallyu giờ đây cũng được coi là một cơ hội kinh doanh. Thành phố Hà Nội cho biết việc tổ chức đêm diễn quy mô như Blackpink “không dễ dàng”.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn quyết tâm bởi theo một báo cáo nhận định concert Blackpink kéo dài hai đêm sẽ cho thế giới thấy du lịch Việt Nam đã mở cửa, một ngành kinh tế vẫn đang gặp khó khăn hậu COVID-19.
Concert Blackpink là đêm diễn âm nhạc K-pop lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, làm thoả mãn cộng đồng người hâm mộ. Korea Foundation, đơn vị chuyên thực hiện các cuộc khảo sát thường niên về làn sóng Hallyu trên toàn cầu, cho biết vào năm ngoái lượng người hâm mộ tăng đột biến, ở mức 223%, chủ yếu đến từ Việt Nam.
Ngày nay, ngày càng có nhiều người hâm mộ sẵn sàng vung tiền cho Blackpink. Một vé VIP concert Blackpink đang nhiều hơn mức lương tối thiểu hàng tháng của người lao động. Tuy nhiên, theo báo cáo của Knight Frank, giai đoạn 2016-2021, số người giàu tại Việt Nam đã tăng 110%.
Tuy các tập đoàn kinh tế và làn sóng Hallyu đang đưa hai quốc gia tới gần nhau thì theo Nikkei, vấn còn những điểm tồn tại.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực sản xuất, Việt Nam quan niệm rằng văn hoá làm việc của Hàn Quốc không phải lúc nào cũng lý tưởng để học theo. Trong đó có làm việc không ngừng nghỉ, một hiện tượng cũng phổ biến trong ngành giải trí Hàn Quốc.
Một thành viên Blackpink từng nói với Rolling Stone rằng cô ấy "làm việc không ngừng nghỉ" và ngã bệnh sau chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới. Một giám đốc nhà máy tại Việt Nam cũng nói với Nikkei rằng rất khó để thâm nhập vào chuỗi cung ứng của một nhà sản xuất lớn của Hàn Quốc vì công ty đó chỉ thích làm việc với người Hàn.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng phải đối mặt với những cơn gió ngược. Đơn cử, ông Choi cho biết Hà Nội đã đề xuất huỷ bỏ một số đặc quyền về thuế mà các công ty Hàn Quốc sử dụng để nhập khẩu nguyên liệu hàng hoá dùng cho xuất khẩu. “Có những lo ngại rằng điều này sẽ trở thành một trở ngại đầu tư”, ông nói.
Việt Nam đang được kỳ vọng có thể thoát bẫy thu nhập trung bình - tốc độ tăng trưởng một quốc gia đang phát triển bị chững lại tại một thời điểm nhất định. Ông Park Hyeon-su - CEO Anam Electronics Việt Nam, một công ty Hàn Quốc chuyên xuất khẩu các sản phẩm âm thanh của LG và Harman, cho biết Việt Nam đang trong giai đoạn tương tự như Hàn Quốc và Trung Quốc từng trải qua.
Nhiều người tiêu dùng Việt Nam hâm mộ các xu hướng Hàn Quốc, từ kiểu tóc K-pop tới mỹ phẩm. Đơn giản chỉ gần gán mác “Hàn Quốc” vào một sản phẩm cũng là hình thức quảng cáo và bảo chứng cho chất lượng.
Rảo bước trên một con phố tại Việt Nam, người ta có thể dễ dàng nhận thấy các thương hiệu Hàn Quốc ngập tràn, từ tiệm bánh Tous les Jours tới cửa hàng tiện lợi GS25, các rạp chiếu phim thuộc sở hữu CJ Group. Thậm chí, cho đến đầu năm nay, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam được yêu mến cũng được dẫn dắt bởi vị huấn luyện viên người Hàn.
Trước đó, nhóm nhạc Blackpink đứng trước nguy cơ bị huỷ đêm diễn khi Bộ Văn hoá và Thể thao, thảo luận về các khiếu nại liên quan đến nhà tổ chức sự kiện đêm nhạc đã sử dụng tấm bản đồ vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Vấn đề đã được giải quyết và đêm 29/7 vừa qua, hơn 30.000 khán giả đã có mặt tại sân vận động Mỹ Đình để xem màn biểu diễn của Blackpink. Với hiệu ứng tích cực, dự kiến đêm nay (30/7), lượng khán giả sẽ bùng nổ hơn nữa.