|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bình ổn thị trường những tháng cuối năm

20:59 | 07/08/2019
Chia sẻ
Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa cả năm vẫn đạt mức tăng trưởng đề ra là 4.903 - 4.923 nghìn tỉ đồng, tăng từ 11,5 - 12% so với năm 2018.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, từ nay đến cuối năm nếu không có thêm những tác động bất lợi, dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa cả năm vẫn đạt mức tăng trưởng đề ra là 4.903 - 4.923 nghìn tỉ đồng, tăng từ 11,5 - 12% so với năm 2018.

Bình ổn thị trường những tháng cuối năm - Ảnh 1.

Hàng nông sản Việt được đưa vào tiêu thụ tại Siêu thị BigC. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Theo Vụ Thị trường trong nước, thị trường hàng hóa trong tháng 7 nhìn chung không có biến động lớn, nhu cầu tiêu dùng nhiều mặt hàng thiết yếu không cao nên giá tương đối ổn định.

Mặc dù mặt hàng xăng dầu tăng nhưng với mức tăng thấp hơn biến động giá thế giới do tiếp tục được điều hành theo quy định, phù hợp với xu hướng giá thị trường thế giới nhưng có sự điều chỉnh mức trích quỹ bình ổn để hạn chế biến động giá, góp phần bình ổn mặt bằng giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong nước.

Riêng với mặt hàng gạo tuy đang trong giai đoạn thu hoạch rộ của vụ Hè Thu nhưng do tiêu thụ tốt, giá xuất khẩu tăng nên giá trong nước bắt đầu tăng nhẹ.

Tại các tỉnh phía Bắc, giá mặt hàng thịt lợn có tăng nhưng dịch bệnh đang lây lan tại phía Nam, nhiều hộ chăn nuôi bán tránh dịch nên mặt hàng này có giảm. Với biến động như vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 7 đạt 415.113 tỉ đồng, tăng 1,66% so với tháng trước.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng đạt 2.804.827 tỉ đồng, tăng 11,56% so với cùng kỳ năm 2018. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8,74%.

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,6%), sức mua tiêu dùng tăng cao, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân.

Hơn nữa, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo dự báo của các chuyên gia, thời gian tới các vấn đề về chính trị và thương mại giữa các nước lớn vẫn đang diễn biến theo chiều hướng căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu. Đáng lưu ý, giá xăng dầu tăng, lương cơ bản tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào nhiều mặt hàng.

Tuy nhiên, với sự điều hành sát sao và phối hợp chặt chẽ của Chính phủ và các bộ, ngành cùng nguồn cung được đảm bảo tốt sẽ giúp bình ổn thị trường các tháng tiếp theo.

Bình ổn thị trường những tháng cuối năm - Ảnh 2.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Co.opmart Huỳnh Tấn Phát, Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Cùng với việc nỗ lực bình ổn cung cầu thị trường, các chuyên gia cho rằng để xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều thuận lợi, đảm bảo lợi ích của người nông dân trước việc Trung Quốc áp dụng nhiều rào cản đối với gạo Việt Nam từ đầu năm 2018, đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm thị trường mới, quan hệ chặt chẽ về thương mại với các nước nhập khẩu gạo truyền thống như Philippines, Indonesia…

Bên cạnh đó, củng cố và phát triển bạn hàng có nhu cầu nhập khẩu các loại gạo chất lượng cao, gạo nếp, gạo tấm, gạo đồ để ổn định thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường cần đẩy mạnh quản lý thị trường trong lĩnh vực xăng dầu vì hiện nay đang phát sinh nhiều hình thức như cửa hàng bán lẻ xăng dầu mini, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nếu không được kiểm soát.

Đặc biệt, các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả hàng hóa thiết yếu; phối hợp thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với việc điều hành nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.

Bình ổn thị trường những tháng cuối năm - Ảnh 3.

Khách hàng chọn mua sữa bình ổn giá tại Siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Lan Phương/TTXVN

Nhằm khuyến khích, hỗ trợ nhà sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm Việt Nam, ông Hoàng Anh Tuấn cho hay, từ nay đến cuối năm Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa đi liền với quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng triển khai các chương trình xúc tiến thương mại để góp phần thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa về nông thôn, vùng biên giới, hải đảo.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá và việc chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý giá.

Đặc biệt, siết chặt quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Uyên Hương

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.