Bình Dương sẽ tiêu hủy toàn bộ đàn heo trong 24 giờ khi phát hiện dịch ASF
Theo đó, đối với tình huống chưa phát hiện dịch ASF, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó dịch bệnh như xây dựng kế hoạch hành động ứng phó của địa phương; chuẩn bị vật tư, hóa chất, phương tiện, nhân lực và các phương án cụ thể trong mỗi tình huống ứng phó dịch.
Đồng thời chủ động dự trù nơi tiêu hủy, chôn, đốt heo và sản phẩm heo khi cần thiết, đặc biệt trong các trường hợp phải tiêu hủy số lượng lớn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn có liên quan khi cần thiết; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tuyên truyền việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi heo.
Ngoài ra tham mưu triển khai các giải pháp kỹ thuật tương ứng với các tình huống ứng phó của kế hoạch; rà soát, thống kê tổng đàn heo cụ thể theo số trại, số hộ chăn nuôi của từng địa phương (ở cấp huyện); chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu và nhân lực cần thiết cho việc tổ chức giám sát, điều tra ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm và chống dịch khi dịch bệnh xảy ra.
Về mặt tuyên truyền, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương tăng cường công tác truyền thông về nguy cơ dịch ASF xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán heo không rõ nguồn gốc, không hợp pháp; phổ biến các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật…
Ảnh minh họa. |
Đối với tình huống phát hiện ổ dịch ASF, đề nghị UBND các cấp và các cơ quan chức năng tích cực, khẩn trương phối hợp và tổ chức xử lý ổ dịch, chống dịch theo quy định và hướng dẫn liên quan.
Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thú y phối hợp với UBND các cấp tại địa phương có phát hiện dịch ASF tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn heo bị bệnh trong vòng 24 giờ, áp dụng kỹ thuật, phương pháp tiêu hủy theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, Cục Thú y.
Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản thực hiện các giải pháp kỹ thuật, thông tin tuyên truyền để kịp thời ứng phó với dịch bệnh; phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh quyết định phê duyệt chính sách, kinh phí thực hiện các hành động ứng phó với dịch bệnh.
Bên cạnh đó, kịp thời báo cáo định kỳ và đột xuất cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như Bộ NN&PTNT về diễn biến tình hình dịch bệnh, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra và khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh…
Dịch tả heo châu Phi được phát hiện lần đầu tại Trung Quốc vào đầu tháng 8. Tính đến ngày 20/12, Trung Quốc đã báo cáo 94 trường hợp nhiễm dịch tại 19 tỉnh và 4 khu tự trị., theo trang zhujiage. Trường hợp mới nhất được phát hiện tại Phúc Kiến hôm 20/12, theo Bộ NN&PTNT Trung Quốc. Dịch bệnh bùng phát tại một trang trại nuôi 11.950 con heo, với 27 con chết vì nhiễm virus. Trước đó, dịch bệnh cũng lần đầu được ghi nhận tại tỉnh Quảng Đông, giết chết 11 con heo. Khu vực báo cáo nhiễm bệnh là thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông, cách ổ dịch đầu tiên được phát hiện trên cả nước - Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh - khoảng 3.000 km. Châu Hải cũng gần Macau và chỉ cách Hong Kong 60 km đã dấy lên lo ngại về khả năng lây lan sang những khu vực này. |
Xem thêm |