|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Biến động tỷ giá tạo sức ép lên vốn vay doanh nghiệp?

15:15 | 18/07/2018
Chia sẻ
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM nhận định tỷ giá là một trong 3 cơ chế tác động lên nguồn vốn vay của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông tỷ giá hiện tại có tăng nhưng không căng thẳng và vẫn nằm trong tầm can thiệp của NHNN.

Ba cơ chế tác động đến nguồn vốn vay của SME

Chia sẻ tại tọa đàm Doanh nghiệp nhỏ tìm vốn "rẻ" ở đâu? ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP HCM cho biết, có ba cơ chế tác động đến nguồn vốn vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV - SME).

bien dong ty gia tao suc ep len von vay doanh nghiep

Thứ nhất là cơ chế tín dụng, ông Minh cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 17% là khá cao, ngành ngân hàng phải cố gắng nhiều mới đạt được.

Đến cuối tháng 6/2018, tăng trưởng tín dụng của TP HCM khoảng 7,5% với dư nợ tín dụng khoảng 1.900 nghìn tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng dư nợ của cả nước. Với dư địa này, ngành ngân hàng không thiếu vốn cho tất cả các doanh nghiệp ở TP HCM. Đồng thời, NHNN ưu tiên nguồn vốn cho 5 đối tượng theo định hướng của Chính phủ gồm: cho vay nông nghiệp, DNNVV , doanh nghiệp xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao.

NHNN cũng đang tích cực xử lý nợ xấu, tạo thêm nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tính đến cuối tháng 5/2018, tỷ lệ nợ xấu TP HCM chỉ khoảng 3% và nếu loại bỏ ba ngân hàng 0 đồng thì chỉ ở mức 1,7%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Thứ hai, về cơ chế lãi suất, ông Minh cho biết hiện nay ngành ngân hàng thực hiện cơ chế cho vay theo lãi suất thỏa thuận. Cơ chế này đã và đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp cải thiện tình hình kinh doanh.

Thứ ba là cơ chế tỷ giá, ông Minh cho hay, cuối tháng 6/2018, thị trường ngoại hối chịu sức ép rất lớn từ quốc tế và buộc phải nâng tỷ giá lên. Theo đánh giá của NHNN, Fed tăng lãi suất là nguyên nhân đồng USD có diễn biến phức tạp và tác động lên tỷ giá và thị trường vàng.

Tuy nhiên, theo ông mặc dù tỷ giá có tăng nhưng không căng thẳng. Nhu cầu ngoại tệ của người dân vẫn được đáp ứng đầy đủ, chênh lệnh tỷ giá niêm yết của các NHTM không lớn. Với nguồn cung như hiện nay từ FDI, kiều hối, xuất khẩu, đặc biệt là dự trữ ngoại hối rất lớn cho phép NHNN có đầy đủ các công cụ để có thể can thiệp vào tỷ giá.

Những rào cản khi doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn

Trao đổi về những khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, ông Minh cho rằng nhiều chủ doanh nghiệp không hiểu rõ quản lý tài chính nên thiếu các kế hoạch tài chính ngắn hạn, dài hạn.

Thêm vào đó, hiện tượng hai sổ sách kế toán, nhằm giảm mức thuế phải đóng cũng khiến cho ngân hàng ngần ngại khi cho doanh nghiệp vay vốn. Rất nhiều DNNVV hiện vẫn giữ hình thức này. Thực tế, việc hiểu rõ thực trạng hoạt động của doanh nghiệp qua hồ sơ kê khai thuế minh bạch là rất cần thiết để doanh nghiệp và ngân hàng có thể đi đường dài cùng nhau.

Ông Đặng Đức Huy, Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết các doanh nghiệp có quy mô trung bình (100 - 499 nhân viên) có xu hướng tăng tốt. Trong khi doanh nghiệp quy mô nhỏ gặp nhiều khó khăn với 46% doanh nghiệp bị lỗ.

Trên 64% chủ doanh nghiệp thừa nhận thách thức lớn nhất trong điều hành là chi phí hoạt động gia tăng. Đồng thời gần 45% số chủ doanh nghiệp được hỏi cho rằng áp lực của dòng tiền thậm chí có thể làm chậm tốc độ của phát triển. "Cần vốn là vậy nhưng chính nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ ngần ngại vay ngân hàng và thậm chí không tiếp cận vốn ngân hàng vì cho rằng thủ tục phức tạp" - ông Huy chia sẻ.

Còn theo chuyên gia tài chính Vũ Thị Mỹ Linh (Giám đốc Báo cáo tài chính Ho Tram Project) để tiếp cận được vốn, doanh nghiệp nhỏ cần kiểm soát được dòng tiền vì đây là vấn đề cốt lõi để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Vì vậy, bà Linh cho rằng, ngoài việc chú trọng thương hiệu doanh nghiệp, tiếp thị, bán hàng... thì một vấn đề không thể lơ là chính là việc quản lý đường đi của dòng tiền, xem xét kĩ vấn đề tài chính trước khi thực hiện một phương án kinh doanh.

Xem thêm

Minh Anh