Biến chủng Omicron phá vỡ kế hoạch mở cửa của nhiều quốc gia châu Á, liệu chiến lược chống dịch có thay đổi?
Nhiều quốc gia trên khắp châu Á mới chỉ bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, cũng như các lệnh hạn chế đảm bảo phòng chống dịch đã được áp đặt từ đầu đại dịch. Song, sự xuất hiện của biến chủng Omicron hiện đang phá vỡ những nỗ lực trên.
Theo Wall Street Journal, từ Nhật Bản đến Australia, nhiều nước đang phải điều chỉnh lại kế hoạch mở cửa trước nỗi lo biến chủng mới sẽ gây ra một làn sóng dịch nghiêm trọng, mặc dù có thể mất vài tuần trước khi các nhà khoa học hiểu rõ hơn về mối nguy hiểm tiềm tàng do Omicron gây ra.
Nhiều quốc gia siết chặt biên giới trở lại
Bắt đầu từ ngày 30/11, Nhật Bản đã đóng cửa biên giới đối với người nước ngoài cho đến cuối năm, bao gồm cả đối tượng doanh nhân và du học sinh.
Trước đó vài tuần, chỉnh phủ nước này vừa mới dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách đến vì mục đích kinh doanh và học tập, sau khi nhiều công ty kêu gọi mở cửa vì lo ngại bị tụt hậu so với nền kinh tế phương Tây đã sớm nới lỏng hạn chế.
“Đây là một biện pháp phòng ngừa khẩn cấp nhằm tránh tình huống xấu nhất xảy ra”, Thủ tướng Fumio Kishida nói. Ông cho biết các biện pháp này chỉ là tạm thời cho đến khi rủi ro từ biến chủng Omicron được xác định rõ ràng hơn.
Trong khi đó, Australia cũng vừa tuyên bố nước này sẽ hoãn kế hoạch cho phép sinh viên và lao động có tay nghề cao nhập cảnh cho đến ngày 15/12. Singapore cũng có động thái tương tự khi quyết định hoãn triển khai làn đi lại cho người đã tiêm vắc xin (VTL) đối với một số quốc gia khu vực Trung Đông.
Ngoài ra, kế hoạch đón du khách từ Nhật Bản và Hàn Quốc của Australia cũng sẽ bị đình chỉ trong giai đoạn này nhằm đảm bảo quốc gia này có thể thu thập thông tin để hiểu hơn về biến chủng Omicron.
Theo Reuters, Australia đã đóng cửa biên giới với người nước ngoài suốt hơn 20 tháng, gây thiếu hụt lao động và tác động nặng đến ngành công nghiệp du lịch.
Nước này đến nay đã ghi nhận 5 ca nhiễm biến chủng Omicron, gồm 4 người ở bang New South Wales đông dân nhất cả nước và một người nhập cảnh ở Vùng lãnh thổ Bắc Australia. Các nhà chức trách nước này cũng cho biết, một số trường hợp nhiễm không có triệu chứng.
Quá trình hồi sinh ngành du lịch gặp trở ngại
Biến chủng Omicron dường như cũng có khả năng gây ra một trở ngại khác cho các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch tại châu Á.
Hôm 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Omicron vào danh sách “biến chủng đáng lo ngại", báo hiệu cho các cơ quan y tế trên toàn thế giới về rủi ro cao từ chủng virus mới này.
Trước những mối lo ngại, Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, đã mở cửa trở lại biên giới cho khách du lịch vào giữa tháng 10, cũng bắt đầu yêu cầu tất cả du khách nước ngoài phải cách ly một tuần sau khi nhập cảnh. Quy định này được áp dụng từ hôm 28/11, thời gian cách ly cũng tăng ba ngày so với yêu cầu trước đó.
Chính phủ Indonesia cho biết động thái này nhằm bảo vệ người dân nước này trước biến chủng Omicron. Trước đó, biến chủng Delta đã gây ra làn sóng dịch nghiêm trọng ở Indonesia vào đầu năm nay, khiến hàng chục nghìn người trên khắp quần đảo thiệt mạng. Tính đến nay, mới chỉ có khoảng 1/3 dân số Indonesia được tiêm chủng đầy đủ.
Thái Lan, quốc gia gần đây đã nới lỏng các hạn chế nhập cảnh để hồi sinh ngành du lịch “xương sống" của đất nước, vào cuối tuần trước cũng cho biết sẽ từ chối nhập cảnh đối với khách đến từ 8 quốc gia Nam Phi bắt đầu từ ngày 1/12.
“Biến chủng Omicron nhắc nhở chúng ta rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn gắn liền với đại dịch”, Steven Cochrane, nhà kinh tế trưởng của APAC tại Moody's Analytics, cho biết.
Ông Cochrane nhấn mạnh thêm du lịch được cho là một trong những ngành phục hồi chậm nhất trong quá trình phục hồi kinh tế của khu vực. Và câu hỏi liệu các tuyến đường du lịch có nên tiếp tục mở lại trước nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới hay không vẫn còn bỏ ngỏ.
Chiến lược sống chung với COVID-19 cần thận trọng hơn
Trong suốt đại dịch, nhiều quốc gia châu Á đã cố gắng giữ số ca nhiễm ở mức thấp hơn so với các quốc gia phương Tây bằng cách kết hợp các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, bao gồm quy tắc kiểm dịch theo quy định, cùng các biện pháp hạn chế trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, gần đây, nhiều nước như Singapore và Australia đã cố gắng thiết lập một con đường mới để đối phó COVID-19 như một căn bệnh đặc hữu.
Các nhà lãnh đạo của Singapore và Australia trong những ngày gần đây nhấn mạnh rằng những kế hoạch đó không thay đổi, nhưng họ sẽ tiến hành một cách thận trọng.
Trong bài đăng trên Facebook vào hôm thứ 29/11, Thủ tướng Australia, ông Scott Morrison kêu gọi người dân nước này bình tĩnh và cho biết đất nước đã chuẩn bị tốt với khoảng 87% người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ.
Ông cho hay chính phủ sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết để giữ an toàn cho người dân, nhưng lưu ý rằng đã có hơn mười biến chủng được xác định kể từ khi đại dịch bắt đầu. “Chúng ta cần học cách sống chung với virus", ông nhấn mạnh.
Tại Singapore, vào cuối tuần qua, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết do biến chủng Omicron mà nước này “có thể buộc phải lùi lại một vài bước trước khi có thể tiến thêm về phía trước”. Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo cho hay ông tin tưởng rằng đất nước cuối cùng sẽ thành công trong việc chung sống với virus.
Tại Trung Quốc, quốc gia đã đóng cửa biên giới bất chấp áp lực mở cửa trở lại từ các nhóm kinh doanh, các quan chức y tế đã chỉ ra sự xuất hiện của biến thể mới như một bằng chứng cho thấy tốt hơn là nên tiến hành một cách thận trọng.
Ông Zhang Wenhong, Giám đốc Trung tâm Y tế Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm của nước này, đã viết trên nền tảng Weibo rằng: “Trung Quốc đang ở trong giai đoạn có cơ hội giành được lợi thế nhờ chiến lược Zero COVID-19 năng động. Dựa trên khoa học và sự đoàn kết, chúng tôi có thể đối phó với Delta cũng như Omicron".