|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Biên bản cuộc họp Fed là tâm điểm của chứng khoán Mỹ tuần này

08:53 | 21/02/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ ngày thứ Hai 20/2. Biên bản cuộc họp Fed được công bố vào ngày 22/2 sẽ giúp nhà đầu tư hiểu thêm về quan điểm của các nhà hoạch định chính sách. Thước đo lạm phát mà các quan chức Fed ưa thích sẽ được công bố vào thứ Sáu 24/2.

S&P 500 giảm hai tuần liên tiếp gần đây, Dow Jones đi xuống ba tuần liên tục.

Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua một tuần tiêu cực khi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 0,13%, đánh dấu tuần đi xuống thứ ba liên tiếp. S&P 500 và Nasdaq Composite cũng mất tương ứng 0,28% và 0,59%.

Nhiều số liệu mới công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ đang nóng hơn dự báo, cùng với việc một số quan chức Fed lên tiếng ủng hộ tăng mạnh lãi suất, đã ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư.

“Tôi nghĩ câu chuyện chính trên thị trường đã thay đổi đôi chút trong vài tuần qua,” CNBC dẫn lời ông Ed Clissold, Giám đốc chiến lược thị trường Mỹ tại Ned Davis Research Group, nhận xét. “Ban đầu là tâm lý tích cực từ xu hướng thiểu phát, số liệu kinh tế khả quan hơn dự kiến khiến một số nhà đầu tư nghĩ rằng kịch bản hạ cánh mềm có xác suất xảy ra cao hơn và tài sản rủi ro có thể hưởng lợi”.

“Giờ đây, nhà đầu tư đang lo ngại rằng nền kinh tế có lẽ đang hoạt động quá nóng, Fed sẽ phải nâng lãi suất nhiều hơn so với dự báo trước đó. Vì vậy tôi nghĩ rằng thị trường tuần này sẽ tập trung theo dõi xem các số liệu kinh tế mạnh mẽ đến đâu.”

 

Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn đang ở trên mức đầu năm 2022.

 

Sau khi nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps) vào ngày 1/2 vừa qua, Chủ tịch Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm “đôi lần” nữa để kiềm chế lạm phát.

Ngày 3/2, báo cáo thị trường lao động tháng 1 được công bố cho thấy số việc làm mới được tạo ra trong tháng 1 lên tới 517.000, vượt xa dự báo của các nhà kinh tế và gấp đôi con số của tháng 12. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,4%, thấp nhất trong 53 năm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1 được công bố vào ngày 14 và 16/2 tăng lần lượt 6,4% và 6% so với cùng kỳ 2022, đều cao hơn dự báo của các nhà kinh tế và gấp ba lần mức mục tiêu 2% của Fed.

Doanh số bán lẻ tháng 1 được công bố hôm 15/2 tăng tới 3% so với tháng liền trước, lớn hơn nhiều so với dự báo 1,9% của các chuyên gia do Dow Jones khảo sát và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2021.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm cùng leo lên mức đỉnh ba tháng sau loạt số liệu kinh tế nói trên.

Lợi suất kỳ hạn 2 năm lớn hơn kỳ hạn 10 năm cho thấy đường cong lợi suất đang đảo ngược.

Trong cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) ngày 31/1 – 1/2, các quan chức của Fed đã quyết định nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps) từ 4,25 – 4,5% lên thành 4,5 – 4,75%. Biên bản của cuộc họp này sẽ được công bố vào ngày thứ Tư 22/2.

Hôm 14/2, ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York đồng thời là Phó Chủ tịch FOMC, cho rằng khoảng hợp lý của lãi suất quỹ liên bang vào ngày cuối năm nay là từ 5% tới 5,5%. Hồi cuối năm 2022, các quan chức Fed dự kiến chỉ nâng lãi suất lên khoảng 5 – 5,25%. Như vậy, ông Williams cho rằng lãi suất có thể phải lên cao hơn mức dự kiến trước khi có số liệu CPI tháng 1.

Ngày 16/2, ông James Bullard, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, cho biết ông ủng hộ nâng lãi suất tới 50 bps trong cuộc họp ngày 1/2 thay vì mức 25 bps thường thấy. Ông muốn đưa lãi suất lên mức đủ cao để chống lạm phát càng sớm càng tốt.

Cùng ngày 16/2, bà Loretta Mester, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, phát biểu rằng Fed “vẫn còn nhiều việc phải làm” và “cần đưa lãi suất lên trên 5% rồi giữ ở mức này trong một thời gian” để hạ lạm phát xuống ngưỡng mục tiêu 2%.

Lạm phát tại Mỹ hiện vẫn cao hơn so với trước dịch.

Ông Williams là Phó Chủ tịch của FOMC và là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn tại Fed. Ông Bullard và bà Mester không có quyền biểu quyết chính sách của FOMC trong năm nay nhưng được dự họp và phát biểu ý kiến.

Ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại B. Riley Financial, nói: “Gần đây chúng ta đã bắt đầu nghe thấy một số quan chức nói rằng có người ủng hộ nâng lãi suất tới 50 bps trong cuộc họp vừa qua. Biên bản cuộc họp sẽ cho chúng ta biết số người ủng hộ nâng 50 bps có nhiều không và họ có phải là các thành viên có quyền biểu quyết của FOMC hay không.”

Theo dữ liệu giao dịch tiền tệ từ CME Group, thị trường đang dự báo xác suất Fed nâng lãi suất thêm 50 bps trong cuộc họp sắp tới là 18,1%, cao gấp đôi một tuần trước.

Các số liệu được công bố trong tuần này sẽ giúp nhà đầu tư có thêm thông tin để đánh giá sức mạnh của nền kinh tế và dự báo nước đi tiếp theo của Fed. Báo cáo doanh số bán nhà xây sẵn sẽ được công bố vào thứ Ba 21/2, nhiều khả năng sẽ cho thấy thị trường bất động sản tiếp tục khởi sắc.

Thước đo lạm phát ưa thích của Fed là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (core PCE) sẽ được thông báo vào thứ Sáu 24/2. Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát dự báo core PCE tháng 1 tăng 0,5% so với tháng liền trước và 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan cũng sẽ được công bố vào ngày 24/2, giúp nhà đầu tư hiểu thêm về xu hướng chi tiêu của người dân.

Một số doanh nghiệp lớn sẽ công bố kết quả kinh doanh quý IV trong tuần này bao gồm hai đại gia bán lẻ Home Depot, Walmart và công ty sản xuất chip Nvidia.

Cổ phiếu Nvidia được nhà đầu tư đặc biệt ưa thích trong thời gian gần đây và đã tăng hơn 50% kể từ đầu năm 2023 giữa con sốt ChatGPT và trí tuệ nhân tạo (AI). Nvidia có năng lực về cả phần cứng và phần mềm liên quan tới AI. 

Song Ngọc - Đức Quyền