|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

BIDV vẫn còn 'đau đầu' vì nợ xấu

10:23 | 12/09/2019
Chia sẻ
Với gần 12.900 tỉ đồng nợ xấu tại VAMC và hơn 21.000 tỉ đồng nợ xấu nội bảng trong đó hơn 50% là nợ có khả năng mất vốn, nợ xấu vẫn là một cái gai nhức nhối tại BIDV.
ty-gia-ngan-hang-mi1

Khách hàng giao dịch tại BIDV (Nguồn: BIDV)

Vẫn "đau đầu" vì nợ xấu

Nợ xấu là vấn đề tồn đọng nhiều năm tại các ngân hàng và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng là một trong số đó.

Tính đến hết 30/6/2019, tổng giá trị các khoản nợ xấu nội bảng của BIDV là 21.121 tỉ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm trước. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng thêm 3.321 tỉ đồng (tương đương 46%) lên 10.492 tỉ đồng và chiếm tới gần 50% tổng nợ xấu của BIDV.

Tỉ lệ nợ xấu (nhóm 3 đến nhóm 5) trên tổng dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng từ 1,9% tại thời điểm cuối năm 2018 lên 1,98%.

Screen Shot 2019-09-12 at 10

Nguồn: BCTC soát xét của BIDV

BIDV cũng còn có 12.855 tỉ đồng nợ xấu dưới dạng trái phiếu đặc biệt của VAMC. Mặc dù đã giảm hơn 9% so với con số đầu năm nhưng vẫn nằm trong Top 5 ngân hàng có nhiều nợ xấu tại VAMC nhất, chỉ xếp sau Sacombank, SCB, SHB và VietinBank.

Screen Shot 2019-09-12 at 10

Nguồn: BCTC soát xét của BIDV

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), vấn đề nợ xấu của BIDV vẫn còn nghiêm trọng và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn trong việc xử lí nợ xấu và cải thiện rủi ro tín dụng. Tổng rủi ro tín dụng bao gồm các khoản vay cần chú ý, nợ xấu và lượng nợ được xử lí cộng dồn chiếm tổng cộng 5,1% khoản vay gộp trong nửa đầu năm 2019.

Con số này cao hơn gần gấp đôi so với số liệu trung bình trong danh mục các ngân hàng mà VCSC theo dõi là 2,9%.

Mức so sánh này không bao gồm dư nợ trái phiếu VAMC và thậm chí kể cả sau khi thanh toán toàn bộ số dư VAMC, VCSC vẫn cho rằng chi phí dự phòng của BIDV sẽ vẫn tiếp tục gia tăng để xử lí các khoản nợ xấu còn lại nội bảng.

Lợi suất cho vay giảm do sự thu hẹp cho vay bán lẻ 

VCSC ghi nhận lợi suất cho vay của các khoản vay nhóm 1 trong nửa đầu năm đã giảm 21 điểm cơ bản so với cùng kì năm trước và giảm 9 điểm so với quí trước. Nguyên nhân của việc sụt giảm này là sự thu hẹp cho vay bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)

Cho vay bán lẻ của BIDV đã có sự tăng trưởng khiêm tốn 5,1% trong 6 tháng đầu năm trong khi tổng dư nợ cho vay tăng tới 7,7% so với cuối năm trước. VCSC chỉ ra rằng chi phí huy động gia tăng đã làm giảm khả năng cạnh tranh về giá của BIDV so với những ngân hàng lớn khác trong mảng bán lẻ như Vietcombank.

Chênh lệch lợi suất cho vay khách hàng (nhóm 1) của BIDV và Vietcombank đã thu hẹp chỉ còn 55 điểm cơ bản trong nửa đầu năm so với cùng kì năm trước (189 điểm).

Theo VCSC, nguồn vốn hạn hẹp đặc biệt là vốn dài hạn là một trong những nguyên nhân chính làm hạn chế việc tăng các khoản cho vay dài hạn tại BIDV. Đồng thời, vấn đề này dự kiến sẽ cải thiện nhẹ từ năm 2020 với sự hỗ trợ từ đối tác chiến lược là KEB Hana.

Bảng dự báo tỉ lệ tăng trưởng các chỉ số tài chính của BIDV qua các năm

Screen Shot 2019-09-12 at 10

Nguồn: VCSC

Trúc Minh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.