BIDV thông qua kế hoạch trả cổ tức từ lợi nhuận giữ lại năm 2021, tăng vốn điều lệ lên hơn 57.000 tỷ
Mới đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) vừa thông qua phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.
Theo đó, BIDV dự kiến sẽ phát hành thêm tối đa 642 triệu cổ phiếu, tương đương với giá trị phát hành theo mệnh giá là 6.419 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành dự kiến bằng 12,69% số cổ phiếu đang lưu hành. Nếu phát hành thành công toàn bộ số cổ phiếu trên, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 50.585 tỷ đồng lên 57.006 tỷ đồng, trở thành thành viên Big4 có vốn điều lệ cao nhất và đứng thứ hai toàn hệ thống, chỉ sau VPBank.
Thời gian phát hành dự kiến vào quý IV/2023 và thời gian hoàn thành việc tăng vốn điều lệ thực hiện theo chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trước đó, Báo cáo trình Quốc hội của Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng cho biết phương án tăng vốn điều lệ này hiện đang được trìnhThủ tướng Chính phủ xem xét.
BIDV cho biết vốn điều lệ tăng thêm sẽ được dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh cho các hoạt động như hoạt động tín dụng, đầu tư, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ môi giới, ngân hàng số và nâng cao năng lực cạnh tranh của mạng lưới kinh doanh.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, BIDV đã đặt mục tiêu nâng vốn điều lệ lên 61.557 tỷ đồng, tương đương mức tăng 21,7% so với cuối năm trước. Theo đó, Ngân hàng dự kiến sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu, bao gồm 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 và 455 triệu cổ phiếu thông qua hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Trong quý II/2023, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 6.943 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng đã thu về 13.862 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ 2022. Theo dự báo của SSI, lợi nhuận quý III của BIDV có thể đạt khoảng 5.873 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước do áp lực từ trích lập dự phòng.