|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

BIDV sắp phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ

10:17 | 11/09/2023
Chia sẻ
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID) đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 2.500 tỷ đồng trong năm 2023.

BIDV sắp phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Ảnh: BNEWS phát

Kế hoạch này dự kiến sẽ được thực hiện qua tối đa 5 đợt phát hành, mỗi đợt với khối lượng tối thiểu là 50 tỷ đồng. Thời gian dự kiến cho việc phát hành này nằm trong khoảng từ quý III đến quý IV/2023 và các trái phiếu này sẽ có kỳ hạn từ 1 đến 5 năm.

Lãi suất cụ thể của từng đợt phát hành sẽ được xác định dựa trên tình hình thị trường và nhu cầu vốn của BIDV tại thời điểm đó. Lãi trái phiếu có thể được trả sau một khoảng thời gian cố định hàng năm hoặc theo quy định của ngân hàng tại mỗi đợt phát hành. Gốc của trái phiếu sẽ được trả một lần vào ngày đáo hạn, trừ khi có điều kiện khác được quy định trong từng đợt phát hành, hoặc trái phiếu được mua lại trước hạn.

Số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu này sẽ được BIDV sử dụng để cho vay cho khách hàng trong nền kinh tế. Đáng chú ý, đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, và không phải là nợ thứ cấp của BIDV.

Liên quan đến kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế của BIDV lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 13.862 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022 nhờ trích lập dự phòng rủi ro 6 tháng giảm tới 30%, giảm 4.118 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của BIDV trong 6 tháng đầu năm đã tăng lên 25.970 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm, trong đó một nửa là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) với gần 13.000 tỷ đồng, tăng 10%. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) cũng đã tăng lên đáng kể. Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng đã tăng từ 1,16% lên 1,59%.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của BIDV đã tăng thêm 0,2% lên 2.124 triệu tỷ đồng. Số dư cho vay cho khách hàng đạt hơn 1.629 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, trong khi tiền gửi khách hàng của BIDV đã tăng 5% và đạt hơn 1.545 triệu tỷ đồng.

Ngoài BIDV, nhiều ngân hàng cũng có kế hoạch phát hành và mua lại trái phiếu trong những tháng cuối năm.

Trước đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã chứng khoán: ABB) đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 6.000 tỷ đồng. Loại trái phiếu này không chuyển đổi, không kèm theo chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và có kỳ hạn từ 1 đến 5 năm. Lãi suất trái phiếu này sẽ được quyết định dựa trên tình hình thị trường và nhu cầu vốn của ABBank tại thời điểm phát hành. Dự kiến sẽ có tối đa 10 đợt phát hành, với mỗi đợt tối đa là 2.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã chứng khoán: LPB) cũng  thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ tối đa 10.000 tỷ đồng. Kế hoạch này sẽ được thực hiện qua 5 đợt, với tổng giá trị dự kiến là 4.500 tỷ đồng. Dự kiến các đợt phát hành sẽ diễn ra vào tháng 9 và 10 năm 2023. Trái phiếu này cũng không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, và có kỳ hạn từ 2 đến 3 năm. Lãi suất cụ thể của từng đợt phát hành sẽ được xác định dựa trên điều kiện thị trường.

Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8 (đến ngày 25/8/2023), có tổng cộng 15 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị là 13.555 tỷ đồng. Trong số này, 10 đợt phát hành trái phiếu do các ngân hàng thực hiện với tổng giá trị hơn 12.000 tỷ đồng.

Riêng trong tháng 8, BIDV đã phát hành được 700 tỷ đồng trái phiếu, trong đó 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 20 năm với lãi suất 7,7%/năm; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) phát hành được 6.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất 6,5%/năm; Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) phát hành được 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất 7,5%/năm; Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) phát hành được 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm…/.

Lê Phương