|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

BIDV chi hơn 23.000 tỷ đồng trả nợ trái phiếu

22:39 | 09/03/2021
Chia sẻ
BIDV đã thanh toán hơn 20.400 tỷ đồng tiền gốc và gần 2.800 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu trong năm 2020 vừa qua.
BIDV chi hơn 23.000 tỷ đồng trả nợ trái phiếu - Ảnh 1.

Chi nhánh Sở Giao dịch 1 của BIDV. (Ảnh: Song Ngọc).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, tính đến ngày 31/12/2020, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) có dư nợ trái phiếu hơn hơn 40.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là trái phiếu tăng vốn BIDV, các loại trái phiếu khác chỉ có giá trị 2.300 tỷ đồng.

Trong năm 2020, số tiền gốc và lãi đến hạn trả lần lượt là 20.437 tỷ đồng và 2.771 tỷ đồng. BIDV đã thanh toán đúng hạn tất cả số tiền nói trên. 

Ngày gần cuối năm, 30/12/2020, BIDV phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm. Ở chiều ngược lại, trong khoảng 10 ngày cuối năm, BIDV đã mua lại trước hạn tổng cộng 6.015 tỷ đồng trái phiếu.

BIDV chi hơn 23.000 tỷ đồng trả nợ trái phiếu - Ảnh 2.

Cây ATM tại một chi nhánh của BIDV. (Ảnh: Song Ngọc).

Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán SSI, trong năm 2020 BIDV đã tăng trưởng tín dụng 8,7%, sát với hạn mức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao. Riêng trong quý IV vừa qua, tổng dư nợ tăng 69.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 5,9% so với quý trước và cao gấp đôi so với tăng trưởng của cả ba quý đầu năm.

Tỷ lệ biên lãi thuần (NIM) quý IV/2020 tăng thêm 33 điểm cơ bản so với quý III lên 2,89%. Đây là mức cao nhất trong 8 quý vừa qua, nguyên nhân là chênh lệch giữa lợi suất tài sản và chi phí vốn tiếp tục được nới rộng.

NIM cải thiện tốt trong nửa cuối năm 2020 giúp thu nhập lãi thuần (NII) cả năm đạt xấp xỉ 35.800 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ.

Năm 2021, SSI dự báo lợi nhuận trước thuế của BIDV có thể đạt 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 46% so với năm ngoái. Các giả định chính bao gồm:

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng đạt 10% và tăng trưởng tiền gửi (bao gồm giấy tờ có giá) đạt 11,8% so với đầu năm. 

Thứ hai, hạn mức tăng trưởng tín dụng trong quý I/2021 được NHNN cấp là 2,7% so với cuối 2019. 

Thứ ba, NIM chỉ tăng 4 điểm cơ bản do áp lực huy động vốn để đạt tỷ lệ LDR 85% và việc phát hành trái phiếu cấp 2 hỗ trợ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR). 

Thứ tư, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1,6%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đi ngang ở mức 88% và chi phí dự phòng giảm 10% so với năm ngoái, tương đương 2,3 nghìn tỷ đồng.

Đức Quyền