|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bỉ mất hàng tỷ euro do bỏ lỡ thương mại điện tử

10:01 | 04/06/2022
Chia sẻ
Trong một nghiên cứu, Liên đoàn doanh nghiệp Bỉ (FEB) cho thấy vương quốc này đã bỏ lỡ 0,3% tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm do chậm áp dụng bán hàng trực tuyến.

heo giới chức kinh tế, Bỉ đã bỏ qua "con ngỗng đẻ trứng vàng" là thương mại điện tử. Vì lý do này, Bỉ đã tự tước đi 0,3% tăng trưởng trong GDP mỗi năm từ năm 2012 đến 2019, tức là 1 tỷ euro và 6.000 việc làm hàng năm.

Trong khoảng thời gian này và ba năm vừa qua, được đánh dấu bằng đại dịch COVID và sự tăng tốc của doanh số bán hàng qua Internet, tổn thất do đó sẽ lên tới 7 tỷ euro đối với nền kinh tế và 42.000 việc làm cho thị trường lao động.

“Chúng tôi đưa ra những con số này bằng cách quan sát sự phát triển từ năm 2008 đến năm 2021 của giá trị gia tăng của thương mại, vận tải và lĩnh vực dịch vụ, cùng chiếm 18% nền kinh tế.

Sau đó, chúng tôi so sánh tiến độ của các hoạt động này với Hà Lan, Đức và Pháp”, Edward Roosens, nhà kinh tế trưởng của FEB, cho biết. Theo ông, ba lĩnh vực có mức tăng trưởng giá trị gia tăng là 23% ở Hà Lan, 10% ở Đức và 5% ở Pháp. Ngược lại, ở Bỉ, giảm 2%.

Cầu hiện có, cung không đủ

Đối với FEB, chính sự tăng trưởng quá yếu của thương mại trực tuyến ở Bỉ là nguyên nhân giải thích cho kết quả này, so với các quốc gia láng giềng. Kể từ năm 2008, khối lượng bán hàng từ xa ở châu Âu đã tăng 220%, trong khi thương mại bán lẻ nói chung chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 15,6%.

Trong cùng thời kỳ, nhu cầu của người Bỉ đối với hàng hóa và dịch vụ được bán trực tuyến tăng 293%, bằng chứng cho thấy mặc dù bắt đầu chậm nhưng người Bỉ cuối cùng đã trở nên yêu thích thương mại điện tử.

Tuy nhiên, không phải các nhà khai thác trực tuyến là những người được hưởng lợi nhiều nhất. Nghiên cứu của FEB cho biết từ năm 2009 đến 2019, khối lượng đàm phán của các công ty bán hàng từ xa của Bỉ chỉ tăng 95%. Trong thời gian này, người Đức đã thực hiện được kế hoạch này với 269% và người Hà Lan là 253%.

Không chỉ tăng trưởng nguồn cung ở Bỉ thấp hơn so với các nước láng giềng mà tỷ trọng bán lẻ theo khoảng cách trong tổng mức bán lẻ cũng thấp nhất, ở Bỉ: dưới 3%, so với 12% ở Đức và 10 % ở Hà Lan. Liên đoàn cũng lấy làm tiếc rằng giá trị gia tăng của thương mại điện tử chỉ tăng 95% ở Bỉ, so với 269% ở Đức và 253% ở Hà Lan.

Nhưng tại sao các công ty Bỉ lại bỏ lỡ phần lớn "cơn gió" thương mại điện tử, vốn rõ ràng đã đổ vào tay những "gã khổng lồ" như Amazon.fr ở Pháp, Bol.com ở Hà Lan và Zalando ở Đức? Do có hai điểm bất lợi chính mà những người thường xuyên mua hàng qua mạng đều biết: giá kém hấp dẫn hơn và thời gian giao hàng lâu hơn so với các mạng bán hàng trực tuyến nước ngoài.

Theo Edward Roosens, điểm yếu đầu tiên là giá cả, được giải thích là do chi phí lương ở Bỉ cao hơn 15% so với mức trung bình của Pháp, Hà Lan và Đức. Thứ hai là liên quan đến tiền làm thêm quá giờ bắt đầu từ 22h và mức chi trả bổ sung khoảng 25 đến 40%. Ở Hà Lan, chi phí làm thêm ban đêm chỉ từ 3 đến 5%.

Điều này có nghĩa là FEB đang nóng lòng chờ đợi việc áp dụng cải cách thị trường lao động mà Chính phủ liên bang mong muốn để tạo sự linh hoạt trong công việc từ 20h đến nửa đêm và thí điểm thử nghiệm với người lao động tình nguyện, do từng công ty thực hiện. Về mặt chi phí của việc làm, FEB đề nghị giảm mức chênh lệch tiền lương so với các nước láng giềng.

"Tỷ lệ này đã giảm từ 16 xuống 10%. Nhưng do chỉ có bốn chỉ số trong vòng chưa đầy chín tháng, do lạm phát, chúng tôi dự kiến sẽ có sự chênh lệch 15% với Pháp, Hà Lan và Đức vào cuối năm 2023", Edward Roosens nói.

Giờ làm thêm buổi tối linh hoạt và chi phí lương giảm liệu có thúc đẩy thương mại điện tử? Delphine Latawiec, Thư ký Công đoàn thương mại quốc gia (CNE Commerce), cho rằng tham vấn xã hội sẽ vẫn là điều cần thiết liên quan đến công việc buổi tối. "Đó thực sự là một vấn đề không chỉ về tình trạng lương tăng mà còn về sức khỏe. Điều này cần sự đồng hành".

Thực tế vẫn là những "gã khổng lồ" thương mại điện tử nước ngoài đã chiếm được cảm tình của nhiều người tiêu dùng Bỉ. Ngay cả khi họ có thể cạnh tranh bình đẳng sau này thì các nhà bán lẻ ở Bỉ có lẽ sẽ rất khó giành được thị phần trên mặt trận thương mại điện tử phi thực phẩm vốn đã bị mất.

Hương Giang