Bị bán tháo mạnh, giá cao su TOCOM mất mốc 300 yen
GIá cao su TOCOM mất mốc 300 yen/kg. Nguồn: azhariahkamin.com |
Tiếp đà lao dốc của hôm qua, giá cao su giao tháng 7/2017 giao dịch trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo (TOCOM) giảm thêm tới 11,9 yen xuống 298,2 yen/kg vào lúc 11h25 sáng ngày 3/2. Tính đến thời điểm này, giá cao su TOCOM đã lao dốc trong 4 ngày liên tiếp, với mức giảm gần 15,14%.
Tương tự trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn Thượng Hải (SHFE), giá các hợp đồng cao su kỳ hạn cũng đồng loạt giảm mạnh sau nghỉ Tết Nguyên đán. Trong đó, giá cao su giao tháng 9/2017 – hợp đồng được giao dịch nhiều nhất – giảm tới 780 nhân dân tệ/tấn tính đến 10h15 sáng nay.
Tại Thái Lan, giá cao su RSS3 giao tháng 3/2017 cũng giảm 2 US cent xuống 285 US cent/kg vào chốt phiên 2/2.
Cao su liên tiếp mất giá tại thị trường châu Á một phần do giới đầu tư chốt lời để tránh rủi ro sau đợt cao su tăng giá mạnh lên cao nhất hơn 5 năm.
Xu hướng chốt lời dần trở thành làn sóng bán tháo cao su khi triển vọng cung cao su trên toàn cầu dần tươi sáng hơn.
Cụ thể tại Ấn Độ, Hiệp hội Cao su cho biết, sản lượng cao su thiên nhiên của nước này đã tăng tới 12% so với cùng kỳ năm ngoái lên 65.000 tấn trong tháng 12/2016.
Cũng theo dự báo của Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất lốp ôtô Ấn Độ (ATMA), sản lượng cao su thiên nhiên niên vụ 2017 – 2018 của nước này sẽ tăng thêm 15% lên 750.000 tấn – mức cao nhất 4 năm.
ATMA cho biết, đà tăng mạnh của giá cao su nội địa và thế giới trong thời gian gần đây đã kích thích người nông dân tăng cường lấy mủ sau thời gian bỏ hoang. Cụ thể trong 2 tháng gần đây, giá cao su tại Ấn Độ đã tăng tới 24% lên đỉnh giá 3 năm ở 235,85 USD/100 kg vào đầu tuần này.
Ngoài ra, xuất khẩu cao su của Việt Nam cũng ước tăng tới 10,5% trong tháng 1/2017. Tại Thái Lan, các doanh nghiệp cũng khẳng định vẫn còn đủ dự trữ để đáp ứng đơn hàng của nước ngoài. Thậm chí, chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ bán ra 98.000 tấn cao su trong kho dự trữ quốc gia để hỗ trợ ngành hàng này sau đợt lũ lụt nghiêm trọng hồi đầu năm.