|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

BHN đang kỳ vọng như NT2

10:30 | 09/01/2017
Chia sẻ
Tháng 6-2015, sau khi chuyển từ UPCoM lên HOSE, sức hút và vị thế của NT2 (Nhiệt điện Nhơn Trạch 2) tiếp tục được củng cố một thời gian dài.

Còn ngày 11-1 tới đây, BHN (Habeco) cũng sẽ huỷ giao dịch tại UPCoM để chuyển sang niêm yết tại HOSE. Liệu BHN có tạo vị thế như NT2.

CP lớn cần lên sàn lớn

Có thể ví việc lên HOSE của NT2 giống như nỗ lực tự làm mới mình, nhưng áp lực của CP này nhẹ hơn so với BHN. Bởi lẽ BHN sẽ phải tự làm mới mình dưới áp lực cạnh tranh của nhiều hàng hóa khác.

Việc chuyển sàn của NT2 trước đây và BHN sắp tới đều có những điểm tương đồng: Cả 2 đều là những CP có vị thế hàng đầu (dù không dẫn đầu) của các ngành nhiệt điện (NT2) và bia (BHN). Trước khi lên sàn NT2 đã có một thời gian dài khuấy động bằng những phiên tăng giá ấn tượng. Cũng cần nhắc lại giai đoạn cuối 2014 đến giữa 2015, khi đó NT2 là “ngôi sao” của UPCoM: tăng mạnh, khối lượng khớp “khủng”, thậm chí CP này còn được đặt biệt danh là N.T, tức tên của một “chân dài” nổi tiếng. Trong khi đó, dù chỉ mới lên UPCoM (28-10-2016), chưa đầy một quý nhưng BHN đã kịp tạo ra 2 vòng tăng giá cực mạnh, 1 lần tăng từ 3.9 lên 15.0, lần kế tiếp tăng từ 10.0 lên 22.5. Vì vậy, người ta có thể kỳ vọng những gì đã diễn ra với NT2 có thể lặp lại với BHN sau khi chuyển từ UPCoM lên HOSE.

Những kịch bản tích cực có thể đặt ra ở đây là sự có mặt của BHN sẽ gia tăng số lượng CP bia tại HOSE, NĐT có thêm hàng hóa để lựa chọn và sự phân hóa trên thị trường cũng trở nên rõ ràng hơn. Kết thúc phiên giao dịch ngày 6-1, giá trị vốn hóa của BHN cũng đã đạt gần 29.500 tỷ đồng, trong khi SAB hiện cũng nằm trong nhóm CP có vốn hóa lớn nhất tại HOSE, nghĩa là số lượng vốn hóa của nhóm CP bia cũng sẽ gia tăng đáng kể nếu có BHN.

Thời điểm NT2 công bố thông tin chuyển sàn, CP này cũng đã có những diễn biến tích cực do kỳ vọng sàn mới sẽ tạo ra lực đẩy mới, BHN cũng đã đưa ý định niêm yết từ những tháng trước và cũng đã đón nhận phản hồi tích cực. Vì vậy, nếu thời gian tới đây, một CP nào đó, đặc biệt là CP lớn tại UPCoM cũng công bố ý định sẽ lên UPCoM, kỳ vọng chắc cũng không kém. Nếu sau NT2, BHN tiếp tục chuyển sàn thành công, nhiều doanh nghiệp (DN) khác cũng sẽ tự tin đưa CP của mình lên niêm yết và tạo ra một xu thế tích cực cho DN cũng như cho cả thị trường.

bhn dang ky vong nhu nt2

Vẫn còn e dè?

Tuy nhiên, việc chuyển sàn của NT2 hay BHN không đơn thuần là câu chuyện của một số CP hay DN riêng lẻ, mà đó là xu hướng cần được mổ xẻ nhiều hơn. Trở lại thời điểm NT2 lên HOSE, có thể xem đó là một hiện tượng khá lạ, bởi với sức hút của CP này đã tạo ra khi đó có khi không cần niêm yết NT2 vẫn có thể thu hút được NĐT nhờ vào những lợi thế của mình. Mặt khác, hàng hóa “chất” tại UPCoM hồi giữa năm 2015 cũng không nhiều như thời điểm hiện nay. Trong khi đó, việc BHN niêm yết tại HOSE trong bối cảnh hàng hóa tại UPCoM vẫn tiếp tục gia tăng, một loạt ông lớn như Vinatex, May Việt Tiến, ACV, Vissan… đang có mặt, sắp tới là một số CP ngân hàng cũng có thể xuất hiện.

Cần nhắc lại vào giai đoạn nửa cuối năm 2016, xu hướng lên sàn, hoặc niêm yết hoặc UPCoM, CP tăng mạnh, thắng lớn rất phổ biến. Tuy nhiên, càng về sau sóng có dấu hiệu chững lại, nghĩa là suất sinh lời giảm dần và cũng không còn được như trước. Nguyên nhân do hàng hóa càng nhiều, tiền sẽ dịch chuyển nhanh hơn. Chuyển sang niêm yết rõ ràng là một giải pháp khôn ngoan của BHN, vì DN này sẽ buộc phải nâng cao hơn nữa hoạt động công bố thông tin, tăng cường minh bạch để thích nghi với một môi trường mới. Thực ra, BHN không chỉ thích nghi với môi trường niêm yết tại HOSE, mà còn là các tiêu chuẩn minh bạch của một nhóm các DN lớn, ở vị thế tương đương của mình như VNM, VCB, DHG, FPT, BVH…

Cả NT2 hay BHN vẫn là số rất ít các DN xem UPCoM như một nơi để “tập dượt” hoặc chuyển tiếp cho quá trình niêm yết của mình, dù số lượng CP làm mưa làm gió tại UPCoM, dư chuẩn niêm yết tại HOSE hay HNX là rất nhiều. Có những DN không thích niêm yết nên việc giao dịch tại UPCoM xem như bình thường, vì đây là vấn đề quan điểm, miễn sao DN đảm bảo nghĩa vụ công bố thông tin, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. Tuy nhiên, vẫn còn một nhóm DN dường như vẫn “lừng khừng” với việc niêm yết.

Việc lên sàn đã được cơ quan quản lý thúc đẩy một cách mạnh mẽ, nên một số DN xem việc lên UPCoM đồng nghĩa với lên sàn và làm tròn nghĩa vụ. Thậm chí đối với một số DN, giới đầu tư còn suy đoán nếu cơ quan quản lý không thúc đẩy, không biết bao giờ mới có mặt tại UPCoM chứ đừng nói đến HOSE hay HNX. Nghĩa là không loại trừ khả năng vẫn có DN xem việc lên sàn là thủ tục cho đủ, như vậy khả năng tự nâng cấp mình trong tương lai gần rất khó xảy ra. Tuy nhiên, nếu càng trì hoãn việc niêm yết, hoặc cũng muốn niêm yết nhưng ngại vì nhiều lý do khác nhau, sẽ tạo ra sức ì cho DN, điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội trong việc huy động vốn, tiếp cận NĐT.

Thanh Ngọc