|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Berjaya còn lại gì sau khi bán 2 dự án tỷ đô cho đại gia Việt?

07:30 | 11/06/2018
Chia sẻ
Tuy là Tập đoàn bất động sản lớn và nổi tiếng tại Malaysia nhưng Berjaya đang "sa lầy" ở Việt Nam khi có nhiều khoản đầu tư thua lỗ. Sau khi bán hai dự án quy mô hàng tỷ USD, Berjaya còn lại gì?
berjaya con lai gi sau khi ban 2 du an ty do cho dai gia viet Berjaya tìm được đối tác mua hai dự án tỷ USD tại TP HCM
berjaya con lai gi sau khi ban 2 du an ty do cho dai gia viet Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam: 'Nếu hành xử nhân văn sẽ luôn có người ủng hộ'

Đầu tư bất động sản: cam kết hàng tỷ USD, sau chục năm vẫn là đất hoang

Dự án Trung Tâm Tài Chính Việt Nam (BVFC)

Đầu tháng 6 này, Tập đoàn Bất động sản Berjaya Land Berhad đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 32,5% sở hữu trong dự án Trung Tâm Tài Chính Việt Nam.

Giá trị giao dịch được công bố là 154,86 triệu Ringit (khoảng 39 triệu USD, tương đương 885 tỷ đồng). Theo báo cáo thường niên của Berjaya, lô đất này có diện tích 6,64 ha tại quận 10, TP HCM, thời gian thuê 49 năm, hết hạn vào ngày 1/9/2059 với giá trị sổ sách ròng gần 180 triệu Ringgit.

Như vậy, khoản lỗ mà Berjaya phải chịu khi thoái vốn là khoảng 25 triệu Ringgit (6,3 triệu USD).

Dự án BVFC được cấp phép vào tháng 2/2008 với tổng vốn đầu tư 930 triệu USD. Tuy nhiên sau 10 năm, khu vực này vẫn là những khu đất trống và phải chuyển nhượng.

berjaya con lai gi sau khi ban 2 du an ty do cho dai gia viet
Phối cảnh dự án BVFC

Dự án Làng đại học Berjaya Việt Nam (BVIUT)

Tháng 2 năm nay, Berjaya chuyển nhượng 99,2% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam với tổng giá trị chuyển nhượng 11.748 tỷ đồng.

Dự án này được cấp phép từ tháng 7/2008, tức 5 tháng sau BVFC. Theo kế hoạch, Berjaya sẽ xây dựng BVIUT trên diện tích 925 ha thuộc xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn với tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD. Giống như BVFC, khu vực dự án vẫn chỉ là những cánh đồng bỏ hoang sau 10 năm và được chuyển nhượng lại cho ‘đại gia’ chịu chi có thể hoàn thành dự án.

Đại diện Tập đoàn Malaysia này cho biết công ty cũng đang trong quá trình đàm phán thoái vốn tại một dự án khác ở Việt Nam, tuy nhiên không nêu rõ dự án nào và đối tác nào.

Dự án dang dở còn lại

Berjaya góp 75% vốn để cùng CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp 2 (D2D) thành lập Công ty TNHH Berjaya – D2D. Hiện Berjaya-D2D đang triển khai dự án Biên Hòa City Square tại TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Dự án có tổng vốn đầu tư 230 triệu USD với diện tích 2,6 ha gồm 1 khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại Biên Hòa City Mall, cao ốc văn phòng 20 tầng và hai khu căn hộ cao cấp Topaz Twins và Amber Court.

Berjaya – D2D đã hoàn thành khu Amber Court và bán hết 100% số căn hộ ở đây. Riêng Topaz Twins mới được khởi công vào ngày 13/1. Đến giữa tháng 5, dự án vẫn còn ngổn ngang, chưa thành hình khu chung cư cao cấp.

berjaya con lai gi sau khi ban 2 du an ty do cho dai gia viet
Tiến độ dự án Topaz Twins tính đến giữa tháng 4.
berjaya con lai gi sau khi ban 2 du an ty do cho dai gia viet
Tiến độ dự án Topaz Twins tính đến giữa tháng 5. Ảnh: website canhotopaztwins.

Các dự án đã hoàn thành

Một trong những mảng kinh doanh quan trọng khác của Berjaya tại Việt Nam là khách sạn và khu nghỉ mát. Berjaya hiện đang nắm quyền kiểm soát tại 3 khách sạn lớn gồm:

Khách sạn Berjaya Long Beach tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Berjaya sở hữu 70% thông qua Công ty TNHH Berjaya Long Beach.

Khách sạn Sheraton tại Hà Nội, Berjaya sở hữu 50% thông qua Công ty liên doanh TNHH Berjaya Hồ Tây.

Khách sạn Intercontinental Hà Nội vốn đầu tư 123 triệu USD, Berjaya sở hữu 75% thông qua Công ty phát triển du lịch hữu hạn làng Nghi Tàm.

berjaya con lai gi sau khi ban 2 du an ty do cho dai gia viet
Khách sạn Intercontinental Hà Nội.

Mặc dù có vị trí đắc địa bên Hồ Tây, Intercontinental làm ăn thua lỗ nhiều năm liền, năm 2014 là gần 42 tỷ đồng, năm 2015 là gần 27 tỷ đồng. Năm 2017, đối tác sở hữu 25% còn lại của khách sạn danh tiếng này là CTCP Thăng Long GTC phải trích lập dự phòng toàn bộ khoản vốn góp 139 tỷ đồng tại đây do lỗ lũy kế ăn vào vốn chủ.

Ngoài ra, Berjaya còn góp 80% vốn liên doanh với đối tác trong nước là CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà số 12 Hà Nội (Handico 12) để thực hiện và hoàn thành Dự án Hà Nội Garden City trên diện tích gần ha tại Khu đô thị mới Thạch Bàn, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.

Dự án gồm 103 lô biệt thự 3 tầng và 148 căn hộ chung cư, tổng giá trị sau đầu tư khoảng 500 triệu USD.

Lĩnh vực tài chính: thua lỗ triền miên 6 năm liền

CTCP Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) do Berjaya sở hữu 49% đang làm ăn khá 'bết bát'. Kết thúc quý I, SBBS lỗ trước thuế hơn 1 tỷ đồng. Trong 6 năm từ 2012 đến 2017, SBBS năm nào cũng thua lỗ.

Theo báo cáo tài chính quý I, SBBS có tổng tài sản 375 tỷ đồng với giá trị nợ phải trả 96 tỷ đồng trong đó toàn bộ là nợ ngắn hạn. Cuối năm 2011, vốn chủ sở hữu của SBBS đạt 314 tỷ USD nhưng do thua lỗ kéo dài nên đến cuối quý I năm nay chỉ còn 279 tỷ đồng.

Hợp tác đầu tư Vietlott

Cái tên Berjaya còn được nhiều lần nhắc đến với tư cách đối tác của xổ số Vietlott. Tuy nhiên cần chỉ rõ rằng giữa Berjaya và Vietlott chỉ là quan hệ hợp tác đầu tư, không phải quan hệ sở hữu.

Cụ thể, tập đoàn đến từ Malaysia này thông qua công ty con là CTCP Đầu tư kỹ thuật Berjaya Gia Thịnh đảm nhận vai trò đầu tư và vận hành máy móc trang thiết bị, còn Vietlott vẫn là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Đến giữa năm 2017, tập đoàn này đã lắp đặt gần 2.500 thiết bị đầu cuối (terminals) cho hoạt động xổ số trên 12 tỉnh thành. Dự kiến đến năm 2020, Vietlott sẽ kinh doanh trên toàn bộ 63 tỉnh thành với 10.000 thiết bị đầu cuối.

Hợp đồng của Vietlott và Berjaya sẽ kéo dài 18 năm. Sau khi chấm dứt hợp đồng, Berjaya cam kết sẽ chuyển giao công nghệ để Vietlott có thể tự vận hành xổ số tự chọn.

berjaya con lai gi sau khi ban 2 du an ty do cho dai gia viet
Danh sách các công ty con của Berjaya tại Việt Nam. Nguồn: Báo cáo thường niên 2017 của Berjaya.

Xem thêm

Kiên Dương