Bê bối xe hơi Nhật Bản: Toyota, Madza, Yamaha, Honda, Suzuki không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn
Ngày 3/6, Bộ Giao thông, Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Du lịch Nhật Bản cho biết 4 nhà sản xuất ô tô cùng một nhà sản xuất mô tô của nước này đã thừa nhận có những bất thường trong các bài kiểm tra an toàn, đồng thời yêu cầu Toyota, Mazda và Yamaha buộc phải tạm thời ngừng xuất xưởng tổng cộng 6 mẫu xe không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, theo Nikkei Asia. Bộ cho biết hai công ty khác báo cáo gian lận là Honda và Suzuki.
Trong nỗ lực giải quyết bê bối từng xảy ra tại Daihatsu Motor và Toyota Industries, Bộ đã yêu cầu 85 công ty trong ngành, bao gồm các nhà sản xuất ô tô và thiết bị, điều tra xem có bất kỳ bất thường nào trong các hồ sơ đăng ký chứng nhận mẫu xe của họ hay không.
Và trong công bố mới nhất, Bộ gọi những bất thường này là "hành động làm suy yếu lòng tin của người sử dụng và làm lung lay nền tảng của hệ thống chứng nhận ô tô [quốc gia]".
Bộ sẽ tiến hành kiểm tra thực địa tại Toyota vào ngày 4/6 đối với 4 công ty còn lại trong danh sách thanh tra.
Toyota, Mazda và Yamaha xác nhận gian lận đã diễn ra trong quá trình sản xuất các phương tiện vẫn đang được sản xuất. Bộ yêu cầu các công ty này tạm dừng xuất xưởng các mẫu xe cụ thể cho đến khi xác nhận được rằng chúng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng.
Toyota cũng cho biết hãng đã ngừng xuất xưởng và bán nội địa các mẫu Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross. Toyota cho biết các hồ sơ đăng ký chứng nhận của các mẫu xe này có "dữ liệu không đầy đủ trong các bài kiểm tra bảo vệ người đi bộ và người ngồi trên xe".
Bốn mẫu xe khác cũng được đề cập trong thông báo của Toyota: Crown, Isis, Sienta và RX. Đây là những mẫukhông còn được sản xuất.
Theo Bộ, Mazda báo cáo có bất thường đối với 5 mẫu xe, trong đó có hai mẫu vẫn đang được sản xuất. Yamaha Motor có ba mẫu xe được phát hiện ra bất thường, một mẫu vẫn đang được sản xuất. Honda đã báo cáo 22 mẫu xe và Suzuki một mẫu, song không có chiếc nào trong số này vẫn đang được sản xuất.
Những vi phạm mới nhất được đưa ra ánh sáng sau khi Bộ yêu cầu 85 nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp phụ tùng báo cáo các hành vi sai trái liên quan đến đơn đăng ký chứng nhận - một sắc lệnh được đưa ra sau vụ bê bối kiểm tra an toàn tại công ty con Daihatsu của Toyota.
Hồi tháng 12/2023, Daihatsu thừa nhận đã thao túng các cuộc thử nghiệm ít nhất từ năm 1989 và tạm dừng mọi hoạt động của nhà máy, giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Nhật Bản. Các chuyến hàng của hãng đã được nối lại vào tháng 4 sau khi chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm sâu rộng.