|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bê bối của Deloitte và những cảnh báo

06:47 | 19/07/2019
Chia sẻ
Các nhà đầu tư của Aequitas đã giành được một chiến thắng lớn khi một số công ty kế toán, chứng khoán và luật đã đồng ý giải quyết vụ kiện bê bối tài chính với mức giá 233,6 triệu USD.
Bê bối của Deloitte và những cảnh báo  - Ảnh 1.

Tập đoàn kiểm toán Deloitte và 3 công ty khác đã đồng ý trả hơn 200 triệu USD để giải quyết vụ kiện liên quan đến công ty Aequitas

Cụ thể, công ty kiểm toán Deloitte Mỹ, công ty kế toán và kiểm toán EisnerAmper, công ty tư vấn tài chính Duff & Phelps và công ty luật Sidley Austin - đã phải đối mặt với một vụ kiện tập thể với cáo buộc rằng việc hợp tác của họ với Aequitas đã cho phép họ cùng tham gia điều hành dự án Ponzi trong sáu năm.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Liêm chính & Ủy thác của bang Colorado, Mỹ, công ty môi giới chứng khoán Mỹ TD Ameritrade và công ty Tonkon Torp cũng dính dáng đến vụ bê bối này. Trong khi Tonkon Torp đã thanh toán riêng 18,5 triệu USD vào tháng 7 năm ngoái, Ngân hàng Liêm chính bang Colorado đã phải trả 1,7 triệu USD.

Được biết, đây là vụ bê bối tài chính lớn nhất từ trước đến nay tại bang Oregon, Mỹ và gây sự chú ý do có liên đới đến Deloitte. Tập đoàn kiểm toán này được cho là đã thông đồng với Aequitas ban hành các báo cáo kiểm toán không đủ tiêu chuẩn dựa trên các báo cáo tài chính năm 2013 và 2014 của Aequitas tại thời điểm SEC thông báo doanh nghiệp này đã phải dựa vào doanh thu từ các nhà đầu tư mới để duy trì hoạt động.

Trong khi EisnerAmper chịu trách nhiệm kiểm toán các báo cáo tài chính của Aequitas vào năm 2011 và 2012. Từ đó, các bản báo cáo trên đã được trao cho các nhà đầu tư tiềm năng cũng như các nhà đầu tư hiện tại và dẫn đến những tổn thất nặng nề.

Công ty Aequitas lần lượt phá sản vào tháng 11/2015 và tháng 3/2016, Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ (SEC) đã buộc tội công ty này cùng ba giám đốc điều hành hàng đầu của họ về việc che giấu tình trạng tài chính đang xấu đi trong khi vẫn tiếp tục huy động được hơn 350 triệu USD từ các nhà đầu tư.

Cơ quan quản lý này cũng cáo buộc Aequitas đã lừa đảo khoảng 1.600 nhà đầu tư tin rằng họ đang thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục ... khi nguồn tiền thực sự được sử dụng để cứu chính bản thân họ. Một số tiền từ các nhà đầu tư mới, được cho là đã sử dụng để trả cho các nhà đầu tư trước đó đã đổ tiền vào dự án Ponzi.

Mặt khác, theo cáo buộc của SEC bất chấp tình trạng tài chính đang rơi vào khủng hoảng của Aequitas, ban lãnh đạo của công ty này bao gồm, Giám đốc điều hành Robert Jesnik, Phó chủ tịch Brian Oliver và Giám đốc tài chính Scott Gillis vẫn tiếp tục rút tiền từ các nhà đầu tư, sử dụng máy bay riêng tham dự các bữa tối sang trọng và đi chơi golf; đồng thời bỏ túi tổng cộng khoảng 2,5 triệu USD trong vòng hai năm trước khi công ty này chính thức phá sản.

Sau khi vụ kiện kết thúc, luật sư Keith Ketterling của Stoll Berne, nhà đầu tư tham gia vụ kiện Aequitas cho biết, số tiền đền bù của các công ty sẽ mang đến sự phục hồi đáng kể, đồng thời sẽ làm tổn thương danh tiếng của Deloitte và các công ty trên.

"Những nhà lãnh đạo cũ của Aequitas đã nhận tội để tiếp tục việc gian lận và che giấu khỏi các nhà đầu tư và kiểm toán viên của họ. Mặc dù vậy, việc Deloitte tham gia vào thỏa thuận đền bù sẽ giảm việc phát sinh chi phí do vụ kiện kéo dài và thêm thời gian để xem xét lại chất lượng kiểm toán", ông Keith cho biết.

Cảnh báo gì cho Việt Nam?

Có thể thấy, báo cáo kiểm toán là căn cứ quan trọng cho các quyết định đầu tư của nhà đầu tư. Đây không chỉ là câu chuyện quyết định mua vào, bán ra của nhà đầu tư cổ phiếu, mà đây còn là một căn cứ để ngân hàng xem xét giải ngân cho doanh nghiệp, đối tác ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ, hàng hóa.

Tại Việt Nam, dựa theo những thông lệ quốc tế, từ năm 2014, việc kiểm soát chất lượng của các doanh nghiệp kiểm toán đã có sự thay đổi so với trước đây. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp kiểm toán độc lập của Việt Nam vẫn còn hạn chế về kinh nghiệm hành nghề, năng lực và sức cạnh tranh, chất lượng kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu của các đối tượng sử dụng thông tin.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Ngọc Khương, trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật - Công nghiệp từng nhận định, thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán Việt Nam mới được hình thành và thừa nhận, còn rất non trẻ và đầy tiềm năng. Các yếu tố của thị trường chưa đầy đủ. Phạm vi hoạt động của thị trường còn hẹp và chưa thực sự được xã hội quan tâm đúng mức.

Đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên có chứng chỉ theo đúng nghĩa và quy chuẩn quốc tế còn quá mỏng về số lượng và hạn chế về chất lượng. Do đó, ông Khương cho rằng, các quy định liên quan tới thể chế hoạt động dịch vụ kiểm toán cần thoàn thiện và triển khai nhanh hơn.

Đồng thời, các công ty kiểm có thể liên doanh, liên kết, sáp nhập với các ty kiểm toán lớn, hoặc gia nhập các mạng lưới kiểm toán quốc tế trước mắt để kết hợp và chia sẻ lợi thế của mỗi thành viên, hình thành khối liên kết mạnh mẽ.

Cẩm Anh