|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bảy nhà đầu tư 'đổ' vào các dự án đường sắt tỉ đô ở Hà Nội

07:39 | 12/07/2017
Chia sẻ
Bảy dự án đường sắt đô thị đã và đang chuẩn bị đầu tư  trong giai đoạn 2017-2020 bằng vốn ODA và hình thức hợp tác công tư (PPP) đã được 7 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký đầu tư. Thành phố Hà Nội đưa ra bài toán huy động hơn 7,5 tỉ đô la và 6.000 héc ta đất để có quỹ đất đối ứng cho các dự án này.
bay nha dau tu do vao cac du an duong sat ti do o ha noi
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã chậm tiến độ 3 năm, trong khi các tuyến mới đang khởi động quá trình đầu tư. Ảnh:TL

Hàng loạt dự án đang lập báo cáo tiền khả thi

Chính phủ đã gửi văn bản tới các Bộ Kế hoạch và Đầyu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)… đề nghị tham mưu cho Chính phủ thẩm định về phương án đầu tư, giải pháp và cơ chế thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội mà UBND TP Hà Nội đã trình.

Theo quy hoạch về đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt với tổng chiều dài 417,8 km. Trong đó có 342,2 km cầu cạn và cầu cạn kết hợp đi bằng, 75,6km đi ngầm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỉ đô la Mỹ chia làm 3 giai đoạn từ năm 2017 đến sau năm 2031.

Hiện nay, trừ tuyến số 2 A (Cát Linh - Hà Đông) do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc đã hoàn thành 90% khối lượng công việc và dự kiến đi vào khai thác đầu quí 2-2018, các tuyến còn lại hiện đang đầu tư dở dang hoặc mới dừng ở dạng lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Như tuyến số 1, nhánh 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên) dài 26 km cũng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư hiện mới cơ bản hoàn thành thiết kế kỹ thuật và đang điều chỉnh phân kỳ đầu tư.

Các dự án khác do TP Hà Nội làm chủ đầu tư đều đang dang dở hoặc mới bắt tay vào nghiên cứu. Như dự án tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Duy Hưng) dài 11,5km sử dụng vốn vay ODA của Nhật đang hoàn thiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư khoảng 36.500 tỉ đồng. Dự án này đã sơ tuyển được 5 gói thầu xây lắp, giải phóng cơ bản mặt bằng và chuẩn bị khởi công xây lắp từ năm 2018 để đưa vào khai thác năm 2024, chậm tiến độ 4 năm.

Tuyến số 3 (Nhổn - ga Hà Nội) dài 12,5 km với tổng mức đầu tư gần 33.000 tỉ đồng. Dự án mới thi công được 30% khối lượng và dự kiến đi vào khai thác năm 20121, chậm tiến độ 3 năm

Các dự án khác, bao gồm:

- Tuyến số 2 giai đoạn 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình), tổng mức đầu tư dự kiến hơn 23.000 tỉ đồng đang lập lại báo cáo tiền khả thi trình Chính phủ và Quốc hội thông qua năm nay. Dự án này được đề xuất sử dụng vốn ODA của Nhật.

- Tuyến số 3 giai đoạn 2 (ga Hà Nội - Yên Sở) dài 7,3km, tổng mức đầu tư 25.800 tỉ đồng. Hiện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang tài trợ lập báo cáo nghiên cứu tiền khà thi, trình Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong năm nay và đề xuất dùng vốn ODA của Nhật để thực hiện dự án .

- Tuyến số 8 (đoạn Sơn Đồng (Hoài Đức) - Mai Dịch) dài 12 km, tổng mức đầu tư hơn 21.120 tỉ đồng và tuyến số 8 đoạn 2 (Mai Dịch - Vành đai 3 - Dương Xá) dài 27,1km, tổng mức đầu tư khoảng gần 88.000 tỉ đồng. Dự án do KOIKA (Hàn Quốc) đăng ký được cung cấp hỗ trợ kỹ thuật lập báo cáo tiền khả thi và khả thi nhưng chưa được phía Việt Nam chấp thuận.

Ba tuyến còn lại hiện chưa được triển khai thực hiện.

Chỉ định thầu và đổi đất lấy hạ tầng

UBND TP Hà Nội trình hai phương thức và nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, phương án mà lãnh đạo thủ đô đang nghiêng về là đề nghị Chính phủ bố trí vốn ODA để thực hiện 2 tuyến: Trần Hưng Đạo-Thượng Đình và ga Hà Nội - Yên Sở với tổng mức đầu tư lần lượt là 1,241 tỉ đô la và 1,003 tỉ đô la. Với các nhà tài trợ vốn như đã nêu ở trên, Hà Nội cam kết sẽ bố trí vốn đối ứng để thực hiện dự án.

Phần các dự án còn lại triển khai theo các phân kỳ (2017-2020) và (2020-2030), sau năm 2030, Hà Nội đề xuất thực hiện theo hình thức PPP, mà cụ thể là BT (xây dựng-chuyển giao). Theo đó, các nhà đầu tư sẽ tự bỏ vốn để lập hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi-khả thi, thuê tư vấn lập hồ sơ dự án, giải phòng mặt bằng và tất cả các công đoạn khác như nhà ga, đường ray. Phía Hà Nội sẽ đầu tư các hạng mục để chạy tàu và vận hành, an toàn cũng như thực hiện việc quản lý vận hành, khai thác.

Tuy các dự án mới chỉ dưới dạng tên gọi nhưng đã có 5 nhà đầu tư trong nước và 2 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư các dự án gồm: Vingroup, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty cổ phần Lũng Lô 5, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Liên danh tổng công ty LICOGI, Công ty TNHH tập đoàn MIK Group Việt Nam và hai nhà đầu tư ngoại là Mosmetrostroy (Nga), Tập đoàn LOTTE Hàn Quốc.

Với số vốn đầu tư dự kiến lên đến hàng tỉ đô la mỗi dự án, phải thông qua Quốc hội chấp thuận về chủ trương đầu tư. Do đó, Hà Nội đề nghị Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ và Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư các dự án này.

Riêng các dự án BT, Hà Nội đề nghị được chỉ định nhà đầu tư, bắt tay thực hiện ngay từ đầu. Các nhà đầu tư này được lựa chọn trên cơ sở có năng lực về tài chính, quản trị dự án, có kinh nghiệm đầu tư các dự án nhóm A hiệu quả. Đồng thời nhà đầu tư phải cam kết ứng trước vốn để giải phóng mặt bằng và triển khai dự án ngay khi UBND TP Hà Nội bố trí được quỹ đất. Nếu dự án không được thông qua về chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư không được bồi hoàn kinh phí. Hà Nội ưu tiên các doanh nghiệp trong nước thực hiện dự án.

Vấn đề quan trọng nhất là quỹ đất đối ứng để “đổi đất lấy hạ tầng” cho các nhà đầu tư, Hà Nội cần bố trí 6.000 héc ta đất với tổng tiền sử dụng đất ước tính là 30.000 tỉ đồng đề “đổi” cho nhiều dự án BT. Phần lớn số đất này sẽ được dành để đàm phán với các nhà đầu tư dự án đường sắt đô thị.

Hà Nội cam kết sẽ chỉ đạo các nhà đầu tư đăng ký dự án hoàn tất báo cáo tiền khả thi trước 30-8-2017 để Chính phủ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm.

Dự kiến tổng nguồn vốn cho các dự án trong hai giai đoạn đầu tư 2017-2025 là 15,163 tỉ đô la Mỹ.

Lan Nhi