|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bất ổn do hiệu quả đầu tư và cấu trúc kinh tế

07:44 | 14/10/2016
Chia sẻ
Trong khoảng 10 năm qua, hầu hết các chuyên gia và các nhà tư vấn chính sách của Việt Nam tập trung vào quản lý tổng cầu, vào các vấn đề tiền tệ nhằm ngăn cản sự gia tăng mạnh của giá cả. Tức là tập trung vào các chính sách điều hành ngắn hạn mà bỏ qua chính sách dài hạn.
bat on do hieu qua dau tu va cau truc kinh te
Da giày vẫn là ngành thâm dụng lao động. Ảnh: HUỲNH CÔNG BÁ

Nghiên cứu của nhóm Phạm Thế Anh và Đinh Tuấn Minh cho rằng chính sách quản lý tổng cầu không sai nhưng khi sử dụng chính sách quản lý tổng cầu kiểu Keynes cần ý thức rằng đó là chính sách mang tính ngắn hạn và nhất thời, không thể sử dụng triền miên.

Việc sử dụng chính sách này triền miên suốt từ năm 2007 đến nay khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào vòng xoáy lạm phát - suy trầm và vòng xoáy này ngày càng nhỏ khiến cả phía cung và phía cầu của nền kinh tế đều yếu. Nhiều người kỳ vọng giải quyết được nợ xấu để kéo giảm lãi suất, từ đó thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng vấn đề đặt ra là ngay cả khi giải quyết được nợ xấu, liệu có cắt giảm được lãi suất hay điều đó chỉ làm lợi nhuận của các ông chủ ngân hàng tăng lên? Thậm chí, cắt giảm được lãi suất thì có làm kinh tế tăng trưởng, hay khi điều đó xảy ra thì ngay lập tức giá xăng, giá điện hoặc muôn vàn chính sách khác ra đời sẽ níu tăng trưởng lại?

Lúc đó, việc sử dụng tiền ngân sách để giải quyết nợ xấu trở thành vô nghĩa và phần thiệt thòi vẫn thuộc về người dân, người dân phải đóng thuế nhưng ngoài giá điện, giá xăng thì viện phí, học phí cũng tăng nhưng chất lượng không tăng.

Như vậy, ngay cả khi nợ xấu được giải quyết thì cũng chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề, nguyên nhân sâu xa là do hiệu quả sản xuất, hiệu quả đầu tư thấp và cơ cấu kinh tế lệch lạc.

Một nghiên cứu độc lập từ mức độ lan tỏa của cầu đến sản xuất và thu nhập dường như ủng hộ cho nhận định trên. Nghiên cứu này chỉ ra cấu trúc của nền kinh tế đang có chiều hướng thay đổi, chuyển từ trường phái Keynes (đường cung nằm ngang - tăng cầu làm tăng cung mà không tăng giá) sang gần hơn với trường phái Cổ điển (Classical - đường cung thẳng đứng - tăng cầu chỉ làm tăng giá). Nó cũng phù hợp với xu hướng lạm phát trong những năm qua. Một khả năng để lý giải điều này là những phát triển về số lượng trong nước (tăng lao động, tăng khai thác tài nguyên) sắp bão hòa. Ý nghĩa chính sách của điều này là những chính sách khuyến khích tăng cũng cần tập trung vào công nghệ và hiệu quả (efficiency) chứ không thể tập trung vào mở rộng sản xuất các ngành sử dụng nguyên liệu và lao động thô như trước.

Điều này phải chăng giải thích hiện tượng chỉ số CPI không tăng trong thời gian gần đây khi mà tổng cầu suy giảm. Cần để ý về tỷ trọng các nhân tố của cầu trong GDP: tỷ trọng của cầu tiêu dùng trong GDP không thay đổi trong khoảng năm năm gần đây nhưng cầu đầu tư giảm mạnh từ khoảng 36% trong năm 2010 xuống dưới 30% trong những năm gần đây. Điều này dường như cũng minh chứng cho nhận định của một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân sâu xa của một số bất ổn là do hiệu quả đầu tư và cấu trúc kinh tế.

Với một nền kinh tế mà phía cung cơ bản là gia công thì việc cải thiện về thể chế và thay đổi cấu trúc kinh tế cần được ưu tiên hàng đầu.

Theo Bùi Trinh