Bất động sản TPHCM đang 'dịch chuyển' từ khu Đông sang Tây
Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TPHCM Quý I/2017 của Công ty Cổ phần Bất động sản Danh Khôi Á Châu (DKRA) cho thấy có 3 sự dịch chuyển rõ rệt về phân khúc, vị trí nguồn cung, nhu cầu mua căn hộ.
Quý 1/2017, thị trường ghi nhận sự trỗi dậy của khu Tây khi khu vực này chiếm đến khoảng 49% nguồn cung toàn thị trường (khoảng 3,494 căn) |
Theo ghi nhận của DKRA, thị trường căn hộ đang có sự dịch chuyển rõ rệt về phân khúc nguồn cung. Nếu trong năm 2016, các dự án căn hộ trung và cao cấp chiếm tỷ lệ khá lớn (khoảng 70% nguồn cung thị trường) gây lo ngại sự mất cân bằng của thị trường khi nguồn cung căn hộ bình dân (có giá dưới 1,5 tỷ đồng/căn) thiếu hụt sẽ có những tác động không tốt đến thị trường.
Tuy nhiên, đến Quý 1/2017 một lượng lớn các dự án căn hộ bình dân được tung ra thị trường (chiếm khoảng 45% nguồn cung thị trường) mở ra cơ hội cho nhiều khách hàng với mức tài chính phù hợp. Về tổng quan, nguồn cung căn hộ trong Quý 1/2017 khoảng hơn 7.100 căn (bằng khoảng 42% so với cùng kỳ năm ngoái). Lượng tiêu thụ khá tốt khoảng 4.946 căn (khoảng 69% nguồn cung Quý 1/2017).
Sự chuyển dịch phân khúc từ trung cấp, cao cấp sang phân khúc bình dân kéo theo sự chuyển dịch về nhu cầu mua nhà từ xu hướng đầu tư sang khách hàng mua để ở thực. Theo đó, nếu như năm 2016, thị trường ghi nhận chỉ khoảng hơn 30% khách mua có nhu cầu để ở thì đến Quý I/2017, tỷ lệ này đã tăng lên khoảng 50%. Khách hàng người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam tiếp tục có dấu hiệu tốt sau Nghị định 99/2015 của Chính phủ.
"Nguyên nhân sụt giảm nguồn cung căn hộ cao cấp là do trong năm 2016, đặc biệt là Quý 3, Quý 4, nguồn cung căn hộ cao cấp tăng đột biến, lượng tiêu thụ khá tốt (khoảng 80%) và chủ yếu là khách hàng đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, tại thị trường thứ cấp, tính thanh khoản không tốt, sinh lời ít. Do đó, chủ đầu tư đang quan sát thị trường để đưa ra những kế hoạch tiếp theo", ông Phạm Lâm, CEO DKRA nói.
Cũng theo báo cáo của DKRA, bên cạnh sự chuyển dịch về phân khúc và nhu cầu mua nhà, thị trường căn hộ cũng đang dịch chuyển vị trí nguồn cung. Theo đó, trong năm 2016 các dự án căn hộ tập trung chủ yếu ở khu Đông (chiếm khoảng 31%). Tuy nhiên, đến Quý 1/2017, thị trường ghi nhận sự trỗi dậy của khu Tây khi khu vực này chiếm đến khoảng 49% nguồn cung toàn thị trường (khoảng 3,494 căn).
Giải thích về sự chuyển dịch vị trí nguồn cung từ khu Đông sang khu Tây, ông Phạm Lâm cho rằng, trục đường Võ Văn Kiệt hiện hữu (trục giao thông huyết mạch nối khu Đông với khu Tây) đã tạo ra diện mạo mới cho toàn khu Tây, giúp khu Tây dễ dàng kết nối tới khu Đông hay trung tâm thành phố. Một số công trình giao thông như nâng cấp đường Kinh Dương Vương cũng kích thích sự phát triển của bất động sản khu Tây.
Các chuyên gia bất động sản nhận định, nhu cầu nhà gắn liền với đất tiếp tục được thị trường đón nhận |
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, hệ thống tiện ích của khu Tây liên tục phát triển, xuất hiện nhiều tập đoàn nước ngoài đến đầu tư cũng là yếu tố quan trọng để các chủ đầu tư dịch chuyển về khu vực này. Mặt khác, giá bất động sản khu Tây đang thấp hơn khu Đông tạo ra cơ hội sở hữu và cả cơ hội đầu tư lớn cho khách hàng.
Về thị trường trong năm 2017, theo DKRA, trong năm nay, nguồn cung căn hộ, nhà phố/biệt thự tiếp tục dồi dào. Phân khúc trung cấp và bình dân tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung toàn thị trường. Trong ngắn hạn, khu Tây tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn về nguồn cung. Nhu cầu nhà gắn liền với đất tiếp tục được thị trường đón nhận.
Khách hàng ngày càng quan tâm đến uy tín của chủ đầu tư như chất lượng của sản phẩm, chính sách bán hàng, tiến độ thanh toán… Đất nền phân lô theo dự án ở các khu vực giáp ranh với TPHCM sắp tới tiếp tục sôi động cả nguồn cung và nhu cầu, đặc biệt ở các tỉnh Long An, Đồng Nai.