Bất động sản Khánh Hoà chờ động lực mới
Theo Hội môi giới Bất động sản (BĐS) Khánh Hòa (KAREB), một số dự án hoàn thiện và đi vào hoạt động như dự án khu đô thị VCN Phước Hải, Mỹ Gia, An Bình Tân, Nam Vĩnh Hải, HUD... đã giải quyết rất nhiều nhu cầu về nhà ở cho người dân trước tốc độ phát triển đô thị hóa cùng với sự gia tăng cơ học về dân số tại Khánh Hòa trong giai đoạn qua.
Dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng thị trường BĐS Khánh Hòa vẫn diễn ra nhiều giao dịch. Quý I/2021, địa phương này ghi nhận việc mua bán tại các dự án BĐS có đầy đủ yếu tố pháp lý.
Trao đổi với người viết, ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký KAREB cho biết, trong các chỉ số của thị trường thì chỉ số nguồn cung và giá BĐS hiện có nhiều sự biến động, nguồn cung đang bị gián đoạn. Giá cả một số phân khúc BĐS đã giảm nhẹ do ảnh hưởng chung của nền kinh tế và giới đầu cơ thoát hàng để thanh khoản tài chính.
"Nguyên nhân chính là do các nhà đầu tư trước đây "ôm" quá nhiều, việc này đã giúp đưa thị trường dần trở về giá trị thật, ổn định", ông Hoàng nhận định.
Cũng theo KAREB, thị trường bất động sản Khánh Hòa vẫn còn tồn tại hiện tượng sốt "đất nền phân lô" cục bộ tại một số khu vực vùng ven của đô thị vệ tinh Nha Trang.
Nguyên nhân một phần do Khánh Hòa đang tích cực triển khai lập quy hoạch chung thời kỳ 2021-2030, trong đó có chủ trương đầu tư các dự án rất lớn về phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, việc sát nhập, mở rộng, nâng cấp hạ tầng đô thị nhưng chưa có thông tin công khai, định hướng kịp thời cho người dân để giới đầu cơ lợi dụng tung tin và đồn thổi đẩy giá BĐS.
Bên cạnh đó là việc đầu tư phát triển các dự án nhà ở thương mại gặp nhiều khó khăn do thủ tục pháp lý về đất đai, đầu tư, xây dựng kéo dài từ 1-2 năm trước hiện nay mới được tháo gỡ chung nhưng chưa có tác động rõ nét dẫn đến nguồn cung BĐS hạn chế.
Ông Phan Việt Hoàng cho biết, việc địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng hơn so với trước đây mặc dù chưa tác động trực tiếp làm tăng giá nhà ở, đất ở của các dự án nhưng cũng có tác động tâm lý đến giới đầu cơ BĐS đặc biệt là giá nhà đất của khu dân cư hiện hữu.
"Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức (thiếu quỹ đất, nguồn vốn tín dụng …) dẫn đến nguồn cung dự án nhà ở xã hội chênh lệch khoảng cách lớn đối với các phân khúc sản phẩm khác.
Cũng như việc chính quyền chưa có biện pháp, pháp lý chặt chẽ để các nhà đầu tư và người dân thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách, "phân lô – bán nền'' tại các khu vực chưa được đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng; thực hiện mua đi, bán lại giao dịch trao tay nhiều lần để đẩy giá", TTK KAREB cho hay.
Đánh giá về triển vọng thị trường, ông Phan Việt Hoàng cho rằng, về cơ bản các chỉ số chung của thị trường BĐS Khánh Hòa như lượng giao dịch, lượng vốn đầu tư, tín dụng và hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS vẫn duy trì sự ổn định.
Với việc các dự án mới sắp được triển khai, song song với sự phát triển hạ tầng và đặc biệt là giá BĐS đã giảm về mức hợp lý hơn được kỳ vọng sẽ là những yếu tố hỗ trợ thị trường bất động sản khánh hoà sớm phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát trong nửa cuối năm.