Bất chấp các án phạt, cán cân giá trị giữa 'Big 6' và phần còn lại của Premier League vẫn chênh lệch trong mùa giải mới
Premier League, giải đấu cấp cao nhất dành cho các CLB tại Anh đã khởi tranh mùa giải mới 2021/22 vào cuối tuần qua. Như thường lệ, đây vẫn là giải đấu nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ giới truyền thông. Ngoài ra, mùa giải năm nay cũng đánh dấu việc các khán giả được quay trở lại sân sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Trong vòng 12 tháng qua, tình hình tài chính của cả Premier League và các CLB đang chơi tại giải đấu này đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Thậm chí, một dự án về siêu giải đấu mang tên European Super League (ESL) đã được đề xuất để giúp cải thiện tình hình tài chính của những CLB thuộc top đầu.
Tuy nhiên, dự án này sau đó đã vấp phải sự phản đối từ cả người hâm mộ lẫn UEFA, cơ quan bóng đá cấp cao nhất châu Âu. Do đó, 6 CLB ở Premier League có tên trong danh sách của ESL gồm Manchester United, Manchester City, Chelsea, Liverpool, Tottenham Hotspur và Arsenal đã bị phạt 22 triệu bảng Anh (30,4 triệu USD) mỗi đội sau nỗ lực ly khai, theo Sports Pro Media.
Ngoài ra, Premier League đã đưa ra điều lệ mới cho các ông chủ đội bóng trong tháng 5 nhằm ngăn chặn bất kỳ nỗ lực "cách mạng" nào khác trong tương lai. Giám đốc điều hành của liên đoàn, Richard Masters, tự tin về những cải cách mới:
"Tôi nghĩ rằng những thay đổi vào đầu tháng 6 sẽ ngăn chặn những sự kiện tương tự ESL trong tương lai. Chúng tôi đang thảo luận với những câu lạc bộ có liên quan và sẽ đưa ra những thay đổi về quy tắc để đảm bảo rằng những điều này sẽ không xảy ra nữa. Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ và đặc biệt, từ người hâm mộ".
Sự phản đối từ người hâm mộ sau sự kiện ESL đã tạo ra những thay đổi trong cán cân quản lý. Ví dụ, CLB Chelsea đã tuyên bố rằng sẽ có sự đại diện của người hâm mộ tại các cuộc họp hội đồng quản trị trong tương lai.
Dù vậy, thất bại của dự án ESL vẫn làm nổi bật sự chênh lệch giữa "Big 6" và phần còn lại của Premier League. Theo một báo cáo gần đây của Sportico, mức định giá trung bình của các đội bóng thuộc "Big 6" là hơn 3,6 tỷ USD. Trong khi đó, 14 CLB còn lại có tổng mức định giá 3,7 tỷ USD.
Những thương hiệu nào hưởng lợi khi tài trợ cho Premier League?
Trong giai đoạn 2020 – 2021, đại dịch COVID-19 đã khiến hầu hết các CLB tại Premier League sụt giảm doanh thu. Việc thiếu vắng khán giả là nguyên nhân chính dẫn đến điều này. Theo thống kê, việc mất đi các khoản thu từ tiến bán vé khiến doanh thu của các CLB tại Premier League giảm 13%, tương đương 6,3 tỷ USD. Cuối cùng, trong mùa giải vừa qua, các CLB đã ghi nhận mức lỗ trước thuế tổng cộng lên tới 1,4 tỷ USD, mức cao nhất lịch sử giải đấu.
Tuy nhiên, theo Tạp chí Finance Football của Deloitte, tình hình có thể được cải thiện trong mùa giải năm nay.
"Tình hình tài chính của các CLB sẽ phụ thuộc vào thời gian mà khán giả được quay trở lại các sân đấu cùng khả năng duy trì các mối quan hệ thương mại của họ. Khi khán đài đầy ắp cổ động viên, các CLB có thể hy vọng về việc doanh thu sẽ tăng lên", Dan Jones, người đứng đầu bộ phận kinh doanh thể thao của Deloitte cho biết.
Tương tự, ông Masters chia sẻ với Sky Sports về một số khó khăn tài chính của giải đấu, nhưng cũng bày tỏ sự lạc quan về sự trở lại của người hâm mộ.
"Chúng tôi đã mất khoảng 1,5 tỷ bảng Anh cộng thêm các khoản thu khác trong vòng 18 tháng qua, và điều đó tạo ra một số thách thức đáng kể cho các CLB và cả giải đấu. Việc phục hồi sẽ không dễ dàng, nhưng với những thỏa thuận mà chúng tôi đã đạt được, một tương lai tươi sáng hơn đang chờ đợi phía trước", ông nói.
Từ mùa giải tới, người hâm mộ được yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 48 tiếng trước khi trận đấu diễn ra. Bên cạnh đó, tại mỗi sân vận động sẽ có những bộ phận test nhanh ngẫu nhiên để đảm bảo tình trạng an toàn.
Về phần bản quyền, tất cả các CLB tại Premier League mùa giải năm nay đã đồng ý gia hạn quan hệ đối tác về quyền truyền thông của giải đấu với Sky Sports, BT Sport, Amazon Prime Video và BBC Sport cho đến hết mùa giải 2024/25.
Chính phủ Anh đã phê duyệt quyền gia hạn từ năm 1998, cho phép liên đoàn đàm phán mở rộng giao dịch mà không cần trải qua quá trình đấu giá. Premier League tuyên bố rằng động thái này sẽ giúp xây dựng nền móng bền vững cho giải đấu tới năm 2025. Hợp đồng mới sẽ giúp liên đoàn có thêm 140 triệu USD để tái đầu tư.
CLB nào được quan tâm nhất Premier League trong 12 tháng qua?
Sponsor Pulse là đơn vị theo dõi các nhà tài trợ và thương hiệu của nhiều giải đấu lớn trên thế giới, bao gồm cả Premier League.
Mới đây, một thống kê của Sponsor Pulse chỉ ra rằng CLB Liverpool là đội bóng có tỷ lệ tương tác cao nhất trong vòng 12 tháng qua. Xếp ở những vị trí tiếp theo trong top 6 lần lượt là Manchester United, Manchester City, Arsenal, Tottenham Hotspur và Chelsea. Tỷ lệ này được tính toán dựa trên tần suất phát sóng, lượt theo dõi trên các trang mạng xã hội, doanh thu bán hàng, tỷ lệ cá cược cũng như một số cách truyền thông khác.