|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Bắt bệnh' lãng phí, thất thoát đầu tư công bằng luật là chưa đủ

09:17 | 18/09/2016
Chia sẻ
Theo TS. Đinh Trọng Thắng - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, các dự án đầu tư công thường khó quản lý và dễ thất thoát, chỉ xử lý bằng luật là chưa đủ.

Câu chuyện thất thoát, lãng phí hàng nghìn tỉ đồng trong các dự án đầu tư công là chủ đề được nhắc tới nhiều trong thời gian qua. Gần đây nhất, một đại biểu Quốc hội đã làm phép so sánh, nếu đem số tiền thất thoát trong vụ án Phạm Công Danh và vụ Trịnh Xuân Thanh sử dụng cho mục đích công ích, Việt Nam có thể miễn thuế đất nông nghiệp cho toàn bộ nông dân lần lượt trong khoảng hơn 300 năm và 100 năm.

Là chủ đề đã được bàn nhiều nhưng trên thực tế, những giải pháp để chấm dứt tình trạng thất thoát, lãng phí trong các dự án đầu tư công vẫn không hiệu quả. Đây cũng là điều các cơ quan chức năng cần tìm hiểu thêm. Bản chất của những dự án này, muốn "bốc thuốc" thì cần "bắt bệnh".

bat benh lang phi that thoat dau tu cong bang luat la chua du
Ảnh minh họa.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Cương lĩnh năm 2011 của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chúng ta đã phát hiện ra là từ trước tới nay, việc tiến hành quản lý các dự án đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước hay còn gọi là dự án đầu tư công không có luật quy định rõ ràng. Vì vậy, cuối năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật quản lý luật đầu tư công. Nó là một phần tách ra và cụ thể hóa sử dụng vốn ngân sách Nhà nước của Luật đầu tư", TS Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết.

"Việc làm thất thoát hàng nghìn tỉ đồng cũng xuất phát từ các doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, Quốc hội khóa 13 cũng đã xây dựng và thông qua Luật quản lý vốn Nhà nước đầu tư và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đây chính là hai công cụ pháp lý quan trọng để chúng ta tiến hành kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn từ ngân sách Nhà nước bắt đầu từ năm 2016, để tránh việc thất thoát lãng phí".

"Trong cả 2 luật này, một điểm nhấn quan trọng là chúng ta bắt đầu giám sát và quy trách nhiệm ngay từ khâu quyết định chủ trương đầu tư. Phần lớn các lãng phí hiện nay đều bắt đầu từ chủ trương đầu tư, lãng phí từ công trình xây dựng cũng có nhưng không gây bức xúc trong dư luận và gây ảnh hưởng trực tiếp tới giảm hiệu quả của nền kinh tế như chủ trương đầu tư", ông Nguyễn Đức Kiên nói thêm.

Nói về nguyên nhân gây ra hiện trạng thất thoát từ dự án đầu tư công , ông Nguyễn Đức Kiên khẳng định không nên đổ lỗi hoàn toàn cho cơ chế. "Hiện tượng đó xảy ra thì chúng ta phải thẳng thắn nói đó là sự yếu kém trong bộ máy quản lý nhà nước, sau đó mới tới việc cơ chế chính sách" - TS. Nguyễn Đức Kiên nói tiếp - " Ở đây, chúng ta bị cộng hưởng bởi 3 yếu tố. Một là nền kinh tế đang chuyển sang nền kinh tế thị trường. Hai là bộ máy nhà nước yếu kém nên thể chế không theo kịp và cán bộ được phân công làm nhiệm vụ đó không phải là cán bộ vừa hồng vừa chuyên. Ba yếu tố này cộng hưởng làm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn".

Đồng quan điểm với TS Nguyễn Đức Kiên, TS. Đinh Trọng Thắng – Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định cần có cái nhìn tổng thể và toàn diện với vấn đề thất thoát, lãng phí, thiếu hiệu quả trong đầu tư công.

"Nếu nhìn rộng ra sẽ thấy vấn đề kém hiệu quả, thất thoát lãng phí trong đầu tư công không phải vấn đề của riêng Việt Nam mà trên thế giới, ngay cả ở nước phát triển vẫn có hiện tượng này xảy ra" - TS Đinh Trọng Thắng phân tích - "Nhìn vào nguyên nhân thì phải đi vào bản chất của đầu tư công. Một dự án đầu tư công luôn có sự tách biệt giữa người hưởng lợi và người chi trả. Nhóm người hưởng lợi thường nhỏ, tập trung nhưng người chi trả có thể toàn bộ xã hội do lấy từ ngân sách. Do vậy, Nhà nước phải có công cụ để lượng hóa chi phí, lợi ích của dự án công, để đánh giá được về mặt tổng thể xã hội, dự án có nên tiến hành đầu tư hay không. Vấn đề ở đây đúng là câu chuyện chủ trương đầu tư".

"Tuy nhiên, ngay cả khi có chủ trương đầu tư đúng thì cũng còn rất nhiều vấn đề mang tính bản chất của dự án đầu tư công. Dự án đầu tư công thường lớn, phức tạp, mới và rất khó so sánh với dự án tương tự. Bản chất của dự án đầu tư công là khó quản lý và dễ thất thoát, không đơn giản là chỉ cần bộ luật đã đủ vì nó là vấn đề đa ngành".

Theo TS. Đinh Trọng Thắng, với mỗi dự án đầu tư công có đặc thù riêng thì cần có giải pháp riêng để xử lý.

Theo VTV