Bảo hiểm Quân đội (MIG): Mục tiêu lợi nhuận tăng tối thiểu 35% năm 2022, dự kiến chi trả cổ tức 15%
Năm 2021, MIC cũng như nhiều doanh nghiệp đã phải chịu ảnh hưởng nặng nền của đại dịch gây gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên vượt lên những thách thức, MIC đã phát huy sức mạnh từ nội lực và nền tảng công nghệ tiên tiến ghi nhận doanh thu ấn tượng 4.231 tỷ đồng tăng trưởng 23,3%, doanh thu bảo hiểm gốc 3.932 tỷ đồng tăng trưởng 24,6% gấp 6 lần tốc độ tăng bình quân của ngành phi nhân thọ và vươn lên Top 5 về thị phần. Trong đó ROE 13,6% tiếp tục giữ vững vị trí Top đầu trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ.
Trong năm 2022, MIC đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng tối thiểu 40%, lợi nhuận tăng trưởng tối thiểu 35%, tỷ lệ bồi thường 32%.
Trước thềm Đại hội đồng cổ đông ngày 21/4 sắp tới, điều khiến các cổ đông của MIC quan tâm đó chính là quyền lợi cổ tức. Riêng năm 2021, MIC đã hoàn tất việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% và hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 1300 tỷ đồng lên 1430 tỷ đồng.
Nhìn lại tiến trình giao dịch của cổ phiếu MIG năm 2021 cho thấy từ thời điểm bắt đầu giao dịch trên sàn HOSE từ tháng 1/2021, thị giá cổ phiếu MIG luôn có chiều hướng tăng hiện nay đang giao dịch ở quanh giá 26.000- 27.000đ/cp tỷ lệ tăng khoảng 74% so với mức giá giao dịch ban đầu là 15.550 đồng/cp.
Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu MIC trong năm 2021 vẫn nằm trong top đầu thị trường với 13,6%, chỉ số EPS 1,569/cp, chỉ số P/E hiện mới chỉ ở mức khoảng 14.66 lần, vẫn ở mức thấp hơn so với nhiều doanh nghiệp khác.
Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) của doanh thu phí bảo hiểm gốc là 19.6%/năm, CAGR của lợi nhuận sau thuế là 50,2%. Đây là một trong những yếu tố cho thấy tiềm năng của cổ phiếu MIG vẫn còn rất lớn.
Quay trở lại kỳ cổ đông 2022, MIC dự kiến chi trả cổ tức 15% cao hơn 2 năm gần đây (10%) với chiều hướng thị giá tăng ổn định có lẽ đây chính là tín hiệu tốt dành cho các nhà đầu tư đã lựa chọn mã MIG.
Việt Nam luôn nằm trong TOP những quốc gia có tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm cao nhất thế giới, với tăng trưởng trung bình hàng năm luôn trên 9,3%. Tuy liên tục ghi nhận tăng trưởng cao, nhưng tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam vẫn có rất thấp, chỉ ở mức 2,7% nếu tính đến năm 2019 (phi nhân thọ là 0,8%, nhân thọ là 1,9%), thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực (trung bình ở mức 3,3%).
Theo đó, khi đại dịch Covid-19 đi qua, ngành bảo hiểm phi nhân thọ được dự báo sẽ nhanh chóng quay trở lại mức tăng trưởng trung bình trên 10% trong giai đoạn trước. Đây chính là tín hiệu tốt trong việc mở rộng thị phần và thúc đẩy tăng trưởng dành cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong đó có MIC.
Theo ước tính sơ bộ về kinh doanh, quý 1/2022 MIC ghi nhận tổng doanh thu bảo hiểm gốc hơn 1,200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ gấp 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của ngành. Lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 90 tỷ đồng tăng trưởng 93% so với cùng kỳ, nhờ việc tăng trưởng doanh thu và quản lý hiệu quả chi phí. Kênh bảo hiểm số đóng góp quan trọng vào việc tăng trưởng doanh thu với mức tăng ấn tượng 5 lần so với cùng kỳ, chiếm 20% doanh thu.